Trong số những mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Hiệp Phước hiện nay, có một HTX và hai tổ hợp nuôi tôm được nhiều người hay nhắc tới.
Dấu ấn HTX Hiệp Thành
HTX Nông nghiệp Hiệp Thành có 12 xã viên (trong đó có 8 người có chứng nhận nuôi tôm VietGAP). Diện tích tôm của HTX hiện nay là 23 ha với gần 70 ao nuôi tôm, mỗi ao cho sản lượng trung bình 15 tấn/ha.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao (ảnh:TL) |
Trước đó, năng suất nuôi tôm của một số nông dân trong xã chỉ từ 3 - 4 tấn, thế nhưng khi tham gia HTX và áp dụng mô hình nuôi mới đã tăng dần lên 12 - 20 tấn/ha/năm và có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trần Văn Mùa, Giám đốc HTX Nuôi tôm Hiệp Thành phấn khởi cho biết, nghề nuôi tôm ở xã Hiệp Phước đang phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Mùa, từ sự năng nổ của Hội Nông dân xã nên nghề nuôi tôm ở xã Hiệp Phước ngày càng phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, HTX chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, có diện tích sản xuất khoảng 30 ha, trong đó đã có 13,7 ha được chứng nhận VietGAP.
Với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất đã giúp HTX tăng cả về sản lượng và chất lượng. HTX đã ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm trong ao bạt đáy và xi phông đáy, đang triển khai nhân rộng mô hình này cho tất cả các thành viên HTX. Đến nay, HTX đã tổ chức thực hiện được các khâu sơ chế, đóng gói các sản phẩm tôm của HTX thành tôm một nắng.
Đặc biệt, ở xã Hiệp Phước, vị giám đốc HTX này còn là một trong số ít những người đi tiên phong nuôi tôm công nghệ, áp dụng mô hình CPF – Combine Model và chương trình 3C.
Mặc dù chỉ có 1.200 m2 ao tôm, nhưng mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Ông Mùa cho biết, ông đầu tư hệ thống ao nuôi hết gần 2 tỷ đồng, gồm một ao ương, một ao lắng, và hai ao nuôi tôm thành phẩm. Mặc dù tiền đầu tư không nhỏ, nhưng đổi lại, tỷ lệ thành công cao, năng suất có thể đạt 40 tấn tôm thành phẩm/ha.
Theo ông Mùa, áp dụng quy trình này, mỗi lứa tôm nuôi khoảng 70 ngày, cộng thời gian xử lý ao, bình quân mỗi vụ khoảng 3 tháng. Như vậy, một năm có thể nuôi tối đa được bốn vụ, nếu có đầu ra ổn định thì mỗi năm có thể thu khoảng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha.
“Nâng cấp” vùng nguyên liệu tôm
Giới chuyên gia cho rằng, HTX Hiệp Thành đã có vùng nguyên liệu nuôi tôm, một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đáp ứng chất lượng xuất khẩu. Đây là bước khởi đầu tốt, nhưng muốn đưa con tôm Hiệp Phước ra thế giới cần phải “nâng cấp” vùng nguyên liệu tôm bằng công nghệ 4.0 để có "farm tôm" chất lượng cao giới thiệu với doanh nghiệp nước ngoài. Phải liên kết được với nhà máy chế biến để cho ra tôm thành phẩm trước khi xuất khẩu
Theo ước tính, toàn xã hiện có 223 hộ nuôi tôm với 234 ha mặt nước, trong đó mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 50 ha. Ngoài HTX Hiệp Thành thì có nhiều hộ nuôi tôm trong xã đã chú trọng việc học hỏi để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, thân thiện môi trường hơn.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Hiệp Phước với diện tích hơn 50 ha (ảnh: TL) |
Đơn cử như ông Phạm Văn Đứng (ấp 3, xã Hiệp Phước) trước đây nuôi tôm ao đất. Ông kể, chỉ sau 2,5 tháng, tôm lớn chừng 80 con/kg thì nước ao đã đục ngầu, do cặn bẩn tích tụ dưới đáy ao và ô nhiễm. Có nuôi giỏi đến mấy cũng không thể tiếp tục nuôi cho tôm lớn thêm và ông không bao giờ dám mơ ước có thể nuôi tôm lớn đạt mức 35 - 40 con/kg.
Nay thì khác, ông không còn phải quá thấp thỏm hàng ngày lo chuyện nước ao bẩn đục. Sau khi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, cuối năm 2015, ông Đứng đầu tư 110 triệu đồng lót bạt cho toàn bộ ao rộng 1.800m2. Đáy ao đặt đường ống thoát nước, thường xuyên thu hồi và đẩy ra ngoài các chất thải, thức ăn thừa và vỏ tôm lắng xuống.
“Ao được tự làm sạch, không còn đọng bẩn dưới đáy, không lo tôm ăn phải cặn bẩn rồi bị bệnh đường ruột nữa”, ông Đứng vui vẻ cho biết.
Với những HTX và các mô hình hộ nuôi tôm theo hướng bền vững, thân thiện môi trường như trên, xã Hiệp Phước đang trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, hy vọng sẽ có nhiều điển hình nữa được lan toả.
Thanh Loan