Xác định nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo là do bà con thiếu vốn, phương tiện sản xuất. Trước thực trạng này, huyện Hàm Yên đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong đó có việc thành lập HTX, THT... đã giúp kinh tế ngày một phát triển.
Điểm sáng Thành Long
Thành Long là một trong những xã khó khăn của huyện, năm 2018, toàn xã còn 701 hộ nghèo trong số 1.730 hộ toàn xã.
Trăn trở trước thực trạng này, lãnh đạo Huyện đã tập trung phát triển loại hình kinh tế HTX và có chính sách hỗ trợ cũng như hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện cụ thể. Mô hình HTX đã tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần vào quá trình giảm nghèo trên địa bàn.
HTX cà chua Thành Long là mô hình tiêu biểu khi biến cánh đồng Mỏ Vàng hay bị ngập và úng vào tháng 6 và tháng 7 thành vùng sản xuất cây hàng hóa tập trung.Trước đây, khi trồng lúa trên cánh đồng Mỏ Vàng, bà con hay bị mất mùa. Tuy nhiên, sau mỗi trận ngập úng, khu ruộng lại được bồi đắp lượng phù sa tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt.
![]() |
Trồng cà chua theo hướng hàng hóa giúp người dân nâng cao thu nhập |
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, HTX đã lựa chọn cây cà chua trồng thử và đến nay, loại cây này ngày càng khẳng định được vị thế là chủ lực, mang lại thu nhập cao cho bà con.
Theo ban giám đốc HTX Thành Long, mô hình sản xuất của HTX góp phần không nhỏ giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần đẩy lùi đói nghèo. Theo UBND xã Thành Long, đến cuối năm 2019 đã có 127 hộ thoát nghèo, đạt 109% kế hoạch, còn 574 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 33,18%.
Thực tế, trồng cà chua đã giúp các hộ có kinh tế khấm khá hơn, đa số các hộ thu lãi vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/vụ là chuyện không khó. Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Duyệt, thành viên HTX, trung bình mỗi sào cà chua cho thu hoạch trên 2,1 tấn quả, giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí 2-4 triệu đồng/sào là bà con con thu lãi chắc trên 15 triệu đồng/sào, cao hơn so với cây trồng khác. Có thời điểm được giá, bà con thu lãi trên 40 triệu đồng/sào.
Tiếp tục phát triển HTX
Toàn huyện hiện có 40 HTX, đa số các HTX đều hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp với quy mô phù hợp. Vai trò của HTX làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết. Nhằm nâng cao chất lượng các HTX, Hàm Yên lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để HTX phát triển, hoạt động hiệu quả dựa trên lĩnh vực có lợi thế.
![]() |
Các vùng sản xuất chủ lực của huyện đều có HTX đứng ra hỗ trợ người dân phát triển sản xuất |
Đến nay, các vùng chuyện canh chủ lực của Hàm Yên như: Cây cam, chè, lúa, chăn nuôi vịt, cá lồng... đều có HTX đứng ra phát triển, từ đó giúp huyện xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa như: Cam sành Hàm Yên, Vịt bầu Minh Hương, Chè Tân Thái 168, Chè Làng Bát, cá đặc sản Thái Hòa…
Theo lãnh đạo huyện Hàm Yên, phát triển kinh tế hợp tác, HTX là xu thế tất yếu. Các HTX có vai trò quan trọng đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn, là phương thức để người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu...
Do vậy, nhằm tháo gỡ những khó khăn, đồng thời củng cố, nâng cao vị trí của loại hình kinh tế hợp tác, HTX, huyện tiếp tục đổi mới, phát triển các HTX, tăng cường đầu tư của Nhà nước và xã hội, đẩy mạnh ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học với công nghệ tiên tiến. Đồng thời, khuyến khích phát triển bền vững các HTX kiểu mới với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng…
Theo số liệu điều tra, nếu như năm 2018, huyện Hàm Yên có 1.607 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23,34% xuống còn 18,64% thì nhờ đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX, đến cuối năm 2019, huyện tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,37%.
Đây chắc chắn đang là hướng đi đúng, hướng tới phát triển bền vững cho Hàm Yên trong những năm tới.
Huyền Trang