Theo đó, xã Thái Sơn đẩy mạnh mở các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, hướng dẫn người dân liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, xã đã hình thành được những mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là trong khu vực kinh tế hợp tác.
Làm giàu từ vỗ béo trâu bò
Mặc dù mô hình chăn nuôi trâu bò nuôi nhốt vỗ béo ở Thái Sơn mới phát triển gần đây nhưng đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Xã đã thành lập được HTX chăn nuôi - kinh doanh thịt trâu, bò sạch Hàm Yên với 16 thành viên, chăn nuôi 200 con trâu, bò.
Các thành viên đã chuyển đổi diện tích cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc, hoàn toàn chủ động nguồn thức ăn thô giàu dinh dưỡng. Chỉ sau 3 - 4 tháng, trâu bò có thể xuất bán và đem lại nguồn lợi nhuận khoảng 5 - 8 triệu đồng/con, cao hơn nhiều so với việc trồng lúa, ngô.
Không chỉ tập trung chăn nuôi, HTX còn đứng ra cung cấp trâu bò, cân trọng lượng, đánh số tai từng con để theo dõi sau đó bàn giao cho người dân.
HTX cũng hướng dẫn người dân cách chăm sóc, ủ chua thức ăn, đồng thời giám sát quá trình nuôi. Sau thời gian nhất định, HTX sẽ thu mua lại số trâu bò đã bàn giao.
![]() |
Vỗ béo trâu bò đang mở hướng giảm nghèo cho người dân (Ảnh:TL) |
Từ thời điểm nhận nuôi đến thời điểm bán, chênh lệch về trọng lượng của vật nuôi sẽ tương ứng với lợi nhuận người nuôi được hưởng. Tham gia mô hình này, không ít thành viên trong HTX đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để và tích lũy phát triển sản xuất.
Anh Trương Minh Tâm, Giám đốc HTX, cho biết nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để mở rộng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, HTX tương đối thuận lợi về đầu ra. Các hộ chăn nuôi đều bảo đảm có lãi.
Thời gian tới, HTX sẽ kết hợp chăn nuôi trâu bò nuôi nhốt với trâu bò sinh sản để chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, xây dựng 2 lò mổ đạt chuẩn, hướng tới chế biến sâu sau chăn nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho thành viên và người dân.
Mô hình sản xuất của HTX đã góp phần nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò của địa phương. Chỉ tính riêng đàn trâu, trước khi vỗ béo, trâu đực chỉ đạt trung bình 360 - 370kg/con nhưng qua sự chăm sóc của HTX, trâu đực giống đã đạt từ 450 kg/con trở lên. Việc này phục vụ đắc lực cho công tác nhân giống, bảo tồn nguồn gen trâu Chiêm Hóa, trâu Hàm Yên.
Nâng cao thu nhập từ trồng rau
Tận dụng lợi thế về nguồn đất đai sẵn có, xã vận động người dân lựa chọn những cây trồng phù hợp, trong đó có việc đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng rau hàng hóa nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều.
Với nguồn vốn 2 tỷ đồng, HTX sản xuất rau theo hướng hữu cơ Thái Sơn đang chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hiện, HTX có gần 4 ha rau màu các loại. Sản phẩm được cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học; đồng thời HTX còn xây dựng được một cửa hàng thực phẩm sạch để chủ động đầu ra.
Theo các thành viên, trồng rau theo quy trình sạch tuy không dễ nhưng đầu ra tương đối ổn định, chi phí không quá cao vì chủ yếu dùng phân hữu cơ và đặc biệt là vòng quay vốn nhanh. Nhờ điều đó, các thành viên đều tin tưởng vào mô hình sản xuất của HTX. Nhiều người trước đây không trồng rau nay cũng mạnh dạn đầu tư và lựa chọn loại rau màu thích hợp để sản xuất nhằm nâng cao thu nhập.
![]() |
Người dân tích cực chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau sạch sẽ góp phần giảm nghèo bền vững (Ảnh: TL) |
Chị Linh Thị Xuân, thành viên HTX, cho biết các loại rau có giá bán tại ruộng là 15-20 nghìn đồng/kg, kết thúc mỗi vụ, gia đình chị có thêm nguồn thu 6-7 triệu đồng/sào.
Theo chính quyền xã Thái Sơn, nếu người dân tích cực chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau sạch sẽ góp phần giảm nghèo bền vững. Người dân cũng không rơi vào tình trạng sản xuất bấp bênh như trước.
Có thể thấy, việc xây dựng các mô hình HTX phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đang là hướng đi hiệu quả của xã Thái Sơn trong việc nâng cao đời sống nhân dân.
Ngoài HTX vỗ béo trâu bò và HTX trồng rau theo hướng hữu cơ, xã còn thành lập và phát triển HTX trồng chè Thái Sơn nhằm khai thác thế mạnh của địa phương trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, xã đang đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước đi đôi với tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ người dân nâng cao ý thức giảm nghèo, chủ động trong sản xuất kinh doanh, đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 64% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 37%. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 83%.
Huyền Trang