Theo UBND tỉnh Nam Định, Hải Hậu là địa phương đa tôn giáo (Phật giáo, Công giáo và Tin lành). Tuy nhiên, phần lớn người dân là theo đạo Công giáo. Với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào Công giáo nơi đây đang đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, chung tay cùng các địa phương nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
HTX của những giáo dân
Tại xã Hải Chính, đồng bào Công giáo đã cùng nhau liên kết thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát tập trung phát triển trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với nguồn vốn 1,5 tỷ đồng, HTX đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất nấm theo quy trình khép kín từ nhà chứa nguyên liệu, nhà ủ, sàng lọc nguyên liệu, khu vực đóng bịch phôi giống nấm bằng máy tự động, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm sau khi hấp thanh trùng, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm...
Hiện, HTX tập trung sản xuất các loại nấm như nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư... Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT) hỗ trợ thành viên về khoa học kỹ thuật.
Trong quá trình sản xuất, các thành viên tuân thủ việc không sử dụng chất bảo quản, thuốc kích thích; luôn duy trì độ ẩm 80-95%, nhiệt độ ở mức 25-27 độ C. Nhờ vậy mà tỷ lệ nấm sống và đạt tiêu chuẩn thu hoạch luôn trên 90%.
Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hơn 5 tấn nấm linh chi sạch, 70 tấn nấm bào ngư và 30 tấn nấm mèo (mộc nhĩ)... Giá các sản phẩm đều ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao với 500.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 30.000 đồng/kg nấm bào ngư tươi và 120.000 đồng/kg nấm mộc nhĩ.
Thành viên HTX Linh Phát giới thiệu về sản phẩm rượu nấm linh chi |
Ngoài xuất bán nấm tươi, HTX chú trọng vào khâu chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, HTX có rượu nấm linh chi và trà túi lọc linh chi. Hai sản phẩm này đạt tiêu chuẩn 3 sao trong chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của huyện. Đây là điều kiện để khẳng định chất lượng sản phẩm và giúp HTX mở rộng thị trường.
“Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 2.000 chai rượu nấm, 10.000 hộp trà nấm túi lọc; doanh thu đạt 4,5 - 5 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Linh Phát cho biết.
Hoạt động của HTX Linh Phát đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương và làm nền tảng đưa xã Hải Chính nhanh chóng về đích nông thôn mới. Hiện, HTX tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ người dân sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp
Theo UBND tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu có gần 30 vạn dân, tỷ lệ người dân theo đạo Công giáo chiếm khoảng 40% với 144 nhà thờ, xứ, họ. Ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, huyện đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo mô hình sáng, xanh, sạch, đẹp. Mục tiêu của huyện là sẽ hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Chung tay vào mục tiêu này, đồng bào Công giáo của huyện đã tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội phát động như: “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Người Công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Cùng với nhân dân toàn huyện, bà con giáo dân tích cực phát triển sản xuất bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, có nhưng mô hình liên kết hoạt động hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở giáo xứ Phạm Pháo (xã Hải Minh), Tổ hợp tác nghề dệt chiếu ở xứ Triệu Thông (xã Hải Bắc), Tổ hợp tác mây tre đan ở xứ Hai Giáp (xã Hải Anh)… đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn.
Bà con Công giáo xã Hải Quang tham gia chăm sóc đường hoa (Ảnh:TL) |
Thực hiện "đường có điện có hoa, nhà có tên, sông không rác", đồng bào Công giáo ở các địa phương đã phối hợp tham gia hàng nghìn ngày công làm nhà tình nghĩa; lao động giúp các xã, thị trấn tu sửa kênh mương, đường nội đồng, đường giao thông nông thôn; hiến gần 31.000m2 đất làm đường giao thông ở vùng đồng bào có đạo…
Hiện, 100% đường ngõ xóm, trong đó có đường vào các cơ sở tôn giáo được bê tông hóa, xanh, sạch đẹp; các cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Công giáo…
Đến nay, đồng bào Công giáo thêm tin tưởng chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Nhiều năm liền, số thanh niên công giáo nhập ngũ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thanh niên nhập ngũ của các địa phương.
Với nhiều cách làm phong phú, phù hợp thực tiễn, đồng bào Công giáo huyện Hải Hậu là một trong những lực lượng điển hình, chung tay cùng các địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, huyện đã có 9 mô hình cấp xóm đã được thẩm định đạt các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường và văn hóa (đã công nhận xóm 2, 3 thôn Phú Lễ, xã Hải Châu đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu mẫu); 3 xã (Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu) cơ bản hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường, văn hóa; các xã còn lại đang tích cực xây dựng, hoàn thiện tiêu chí kiểu mẫu theo quy định của tỉnh.
Huyền Trang