Tuy nhiên, do nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò của nữ giới vẫn còn hạn chế. Điều này cũng khiến việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội học tập, nâng cao trình độ và thăng tiến của phụ nữ gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Nhiều mô hình HTX hiệu quả do phụ nữ làm chủ
Năm 2018, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, Hội LHPN huyện Sơn Dương và Phòng tài chính huyện Sơn Dương, HTX dịch vụ gia cầm xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương thành lập với 17 thành viên, trong đó có 4 thành viên là nữ.
Trước đây, các thành viên là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, vì vậy, đã gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm chăn nuôi, dẫn đến rủi ro dịch bệnh cao, chi phí lớn, thu nhập thấp, thậm chí còn bị thua lỗ nặng. Từ khi thành lập HTX, các thành viên liên kết trong chăn nuôi, tương trợ nhau trong việc nhập đàn, tiêm vác xin, kỹ thuật chăm sóc dịch bệnh, hỗ trợ vốn… Vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi. Bình quân mỗi thành viên trong HTX chăn nuôi từ 2.000 con/lứa, thành viên nuôi nhiều nhất là 7.000 con/lứa.
Dù đã lớn tuổi nhưng nhiều phụ nữ vẫn là những lao động chính trong các HTX (Ảnh:TL) |
Chị Nguyễn Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hợp Thành, thành viên HTX Hợp Thành cho biết: “Khi chưa tham gia HTX, mạnh ai người nấy làm, từ khi tham gia HTX, chúng tôi thực hiện công tác phòng dịch bệnh tốt hơn, gà tăng trưởng tốt hơn, việc chăn nuôi đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng cao hơn”.
Là thành viên của “câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo” xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, năm 2010, chị Nguyễn Thị Thắm, xã Tân Thọ, đã quyết định thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ. Sau 10 năm hoạt động, HTX Tân Thọ đã có một chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Để tạo thuận lợi cho chị em phụ nữ tranh thủ được thời gian nhàn rỗi, kết hợp công việc với chăm sóc gia đình, con cái, chị Thắm đã liên kết với các tổ sản xuất giao khoán sản phẩm cho người lao động sản xuất tại nhà. Đến nay, HTX đã liên kết sản xuất ổn định với khoảng 400 hộ tại các xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình, huyện Nông Cống; Quảng Long, Quảng Yên, huyện Quảng Xương và Đông Khê, huyện Đông Sơn. Đối tượng lao động chủ yếu là phụ nữ nông thôn quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ, đặc biệt, có tới hơn 100 hội viên là người khuyết tật tham gia sản xuất.
Để phụ nữ không còn yếu thế
Tính đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có 25.547 HTX, trong đó có tới hơn 16.000 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê của Hội LHPN Việt Nam, tính đến hết năm 2019, các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập, quản lý 342 HTX với trên 6.500 thành viên, trong đó có trên 60% là các HTX nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, các HTX nông nghiệp do phụ nữ tham gia quản lý đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên và một số lao động thời vụ, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại địa phương, như mô hình HTX chanh không hạt tại Cần Thơ, HTX Chè Tân Hương về sản xuất chè sạch tại Thái Nguyên, HTX trồng cây dược liệu tại Nam Định, HTX trồng rau theo hướng hữu cơ tại Hà Nam, HTX trồng sả tại Hòa Bình, HTX trồng rau an toàn tại Hà Tĩnh...
Để nâng cao vai trò, vị thế, phụ nữ cần được bình đẳng trong học tập và làm việc tại các HTX (Ảnh:TL) |
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhìn nhận một cách thực tế khách quan, tỷ lệ lao động nữ giữ các chức vụ quản lý, điều hành trong HTX khá thấp và đa phần chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống. Tỷ lệ lao động nữ không có tay nghề chiếm trên 60% tổng số lao động nữ làm việc trong HTX. Khoảng 20% lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo nghề và hầu hết là các nghề đơn giản, thời gian đào tạo ngắn.
Xét về độ tuổi, khu vực HTX sử dụng lao động linh hoạt hơn so với các khu vực kinh tế khác, đặc biệt có một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ phải làm việc khi đã quá tuổi lao động. Lao động nữ cũng chủ yếu trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi tiêu hao nhiều sức lực, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ.
Bên cạnh đó, lao động nữ trong các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò của nữ giới vẫn còn hạn chế. Điều này cũng khiến việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội học tập, nâng cao trình độ và thăng tiến của phụ nữ trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, lao động nữ tại các HTX được hưởng rất ít chế độ so với các khu vực khác, mặc dù luật đã quy định cụ thể, chi tiết các chính sách ưu tiên đối với lao động nữ, bao gồm tham gia bảo hiểm, thai sản, công việc nặng nhọc, độc hại, nghỉ lễ, Tết...
Tiến sĩ Bùi Thị Mai Đông, Trưởng khoa Công tác xã hội (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, phụ nữ chiếm 80% lực lượng lao động trong các HTX nông nghiệp. Lao động nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng điều lệ, nội quy, quy chế hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong điều hành, quản lý HTX, trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh và tham gia các hoạt động khác trong các HTX nông nghiệp.
Do vậy, “Cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của các thành viên là phụ nữ trong các HTX nông nghiệp vì mục tiêu bình đẳng giới, qua đó để họ quyết tâm sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Mai Đông nhấn mạnh.
Phạm Duy