Đến nay, đời sống của người dân đã được cải thiện. Không ít hộ nghèo đã có việc làm và thu nhập ổn định nhờ mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, tham gia HTX.
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh
Thực hiện dự án di dân để xây dựng công trình thủy điện, hàng trăm hộ dân của các bản trên địa bàn xã Chiềng Lao thuộc vùng lòng hồ đã nhường đất phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Vì vậy, một phần diện tích đất canh tác của người dân bị thu hẹp và vùng mặt nước ngập lại mở ra một hướng mới cho bà con phát triển nghề nuôi cá lồng.
Nắm bắt được cơ hội này, 7 hộ dân đã đứng ra thành lập HTX thủy sản Bình Minh, tập trung vào nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.
Các hộ đã nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện để đầu tư hệ thống lồng cá kiên cố bằng sắt. Trong quá trình nuôi cá, các thành viên đã tận dụng nguồn thức ăn phong phú tại địa phương, kết hợp trồng cỏ voi phục vụ nuôi thủy sản.
Với mong muốn phát triển sinh kế bền vững cho người dân, HTX Bình Minh đã kết hợp với chính quyền xã thực hiện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Chính vì vậy, mọi người đã dần làm chủ quy trình khoa học kỹ thuật và áp dụng thành công vào trong sản xuất.
Chiềng Lao có 2 HTX nuôi trồng thủy sản đang hoạt động hiệu quả. |
Với 56 lồng nuôi các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, rô phi đơn tính... và một số loại cá đặc sản: nheo, lăng vàng, trắm đen cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã đưa HTX Bình Minh trở thành mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn xã.
Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh, cho biết: Hiện nay, cá thương phẩm được bán với giá 70.000 đồng/kg cá nheo, 45.000 đồng/kg rô phi đơn tính, 90.000 đồng/kg cá trắm cỏ... sản lượng trung bình 3 tạ/tháng, chủ yếu cung cấp cho một số nhà hàng kinh doanh ẩm thực, một số thương lái địa phương và huyện Than Uyên (Lai Châu).
Chỉ tính riêng năm 2019, HTX đã bán ra thị trường gần 27 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình nuôi trồng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cá lòng hồ sông Đà.
Cùng nuôi cá lồng và áp dụng cách làm bài bản, khoa học, HTX Nông lâm thủy sản Chiềng Lao là 1 trong 2 HTX trên địa bàn xã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Sơn La cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với 75 lồng cá. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để cá lòng hồ sông Đà đến gần hơn với người tiêu dùng và chinh phục các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Theo UBND xã, HTX Bình Minh và Chiềng Lao đang tích cực liên kết phát triển theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến nay, ngoài số lượng lồng của 2 HTX trên, người dân cũng đã nắm bắt nhu cầu thị trường để phát triển nghề này. Toàn xã có 273 lồng nuôi cá các loại và có đầu ra tương đối thuận lợi vì người dân đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nghề nuôi cá lồng ở Chiềng Lao đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương. Thu nhập của người dân từ nghề nuôi cá lồng là từ 60-200 triệu đồng/hộ.
Theo UBND xã Chiềng Lao, để giúp nhân dân phát triển kinh tế, trong đó có nuôi trồng thủy sản, xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như: Tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Các hộ nghèo được vay 42 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo vay với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, xã còn mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả và nuôi thủy hải sản đi đôi với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...
Chiềng Lao đang phát triển diện tích xoài ghép. |
Ngoài 320 ha lúa, gần 600 ha ngô, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt trên 290 ha, trong đó có 145 ha đã cho thu hoạch sản lượng đạt trên 1.224 tấn quả các loại/năm. Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND xã đã tiếp nhận chương trình 30a hỗ trợ trên 14.000 cây xoài ghép cho 56 hộ từ chương trình 135 hỗ trợ 63 con bò cái sinh sản cho 63 hộ, vốn nông thôn mới hỗ trợ trên 8.000 cây xoài ghép cho 38 hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng dẫn nhân dân tu sửa, làm chuồng trại chăn nuôi nhốt chuồng, nhằm hạn chế dịch bệnh và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện, toàn xã có hơn 10.000 con gia súc và trên 31.000 con gia cầm.
Với hướng đi cụ thể trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi đôi với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đời sống người dân xã Chiềng Lao đang trên đà khởi sắc. Tin rằng, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã, sự nỗ lực của người dân trong phát triển kinh tế, cùng với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án của Nhà nước sẽ góp phần giúp xã Chiềng Lao giảm nghèo hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Huyền Trang