Nhiều năm gắn bó với nghề làm ruộng nhưng chị Nguyễn Thị Thái (Nam Hồng, Đông Anh) đã được tạo điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp, từ đó chị xin được việc tại khu công nghiệp trên địa bàn.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo chị Thái, việc đào tạo nghề và xin vào làm ở khu công nghiệp giúp chị có thu nhập ổn định hơn, được hỗ trợ các chính sách xã hội như tham gia đóng bảo hiểm. “Làm ở khu công nghiệp được làm theo ca nên tôi vẫn có thời gian cùng gia đình duy trì làm ruộng để bảo đảm cuộc sống”, chị Thái chia sẻ.
Còn tại cơ sở đồ gỗ Thu Long (Bắc Hồng, Đông Anh), chị Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở cho biết, lao động làm việc tại đây được tham gia các buổi đào tạo nghề làm mộc để nâng cao tay nghề, từ đó nâng cao thu nhập. Bởi nghề mộc 90% là do sáng tạo và sự chuyên nghiệp từ bàn tay của người thợ, chỉ 10% là do khách đặt theo mẫu có sẵn.
Có thể thấy, đào tạo nghề nói chung, đạo tào nghề cho lao động nông thôn đang được thành phố Hà Nội quan tâm. Trong suốt thời gian qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Hà Nội được thực hiện cùng với các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
Các đối tượng được ưu tiên đào tạo nghề là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, là thành viên gia đình người có công với cách mạng, các thành viên HTX đang gặp khó khăn trong sản xuất, quản lý...
Từ năm 2010 đến nay, sau các khóa đào tạo, 70% lao động được tiếp cận với ngành nghề mới hoặc vẫn duy trì ngành nghề mới nhưng năng suất, chất lượng được nâng cao hơn. Hoặc có những đơn vị, HTX đang củng cố lại sản xuất theo tín hiệu thị trường nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề.
Tại HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì), nhờ được tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi theo hướng hữu cơ, các thành viên đã và đang tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. HTX cũng áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành.
Đặc biệt, mới đây, các thành viên HTX đã tham gia khóa đào tạo nuôi gà an toàn sinh học hướng đến quy trình nuôi hữu cơ do Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân xã Thụy An (huyện Ba Vì) khai giảng vào ngày 8/6/2023. Dự kiến sau 2 tháng, các thành viên HTX sẽ nắm chắc nhiều kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà an toàn ở các giai đoạn, từ đó có khả năng tự làm chuồng gà và lựa chọn con giống để nuôi, tự phối trộn thức ăn và chế biến thức ăn cho gà bảo đảm theo quy trình an toàn sinh học. Ngoài ra, sau khi được tham gia khóa đào tạo, các thành viên sẽ thực hiện đúng quy trình chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn gà, có khả năng nhận biết, chẩn đoán và điều trị được các bệnh thường xảy ra trên vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc HTX Ba Vì cho biết, chăn nuôi trong thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, rất mong khoá học này giúp thành viên có kiến thức chăn nuôi theo quy trình hữu cơ. Đặc biệt, thành viên có thể nắm được quy trình tự sản xuất thức ăn bằng tất cả nguồn nông sản sẵn có của địa phương, qua đó giúp HTX có thể giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, khi được học về quy trình chứng nhận hữu cơ sẽ giúp HTX tự tin trong việc hoàn thiện quy trình, hồ sơ chứng nhận...
Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Theo các ngành chức năng, người lao động, thành viên HTX khi tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn ngoài được đào tạo quy trình trồng trọt, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn cụ thể thì còn được học cách cập nhật thông tin, học về quy trình chứng nhận hữu cơ; ứng dụng thao tác vận hành quản lý theo công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất trên phần mềm, trang web... nhằm thích ứng với thị trường cũng như sự phát triển của công nghệ số.
Như với HTX Nông nghiệp Thụy An (huyện Ba Vì), tuy các thành viên đã nắm được các kỹ thuật trồng rau hữu cơ nhưng lại thiếu các kỹ năng quản lý, xúc tiến thương mại, khó dự tính năng suất nên chưa thể hoàn thiện các đơn đặt hàng một cách hiệu quả. Trong khi quy mô sản xuất của HTX là toàn xã. Nếu không có phương án quản lý, dự kiến năng suất phù hợp, thành viên và người dân dễ bị động trong sản xuất, hay tồn ứ nông sản khi vào vụ thu hoạch.
![]() |
Lao động làm nghề mộc ở cơ sở đồ gỗ Long Thu không chỉ nâng cao kỹ năng làm mộc mà có ý thức bảo đảm an toàn lao động trong làm việc. |
Chính vì vậy, khi được tham gia các lớp đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp thích ứng với thị trường, các thành viên được dạy cách ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý, từ đó mang theo hi vọng cả HTX sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Việc tham gia các lớp đào tạo nghề không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân, mà còn góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo thống kê, đến nay, toàn thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Hà Nội đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Đây là một thành quả lớn, một minh chứng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong thời gian qua đối với công tác xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao tay nghề, thu nhập cho người lao động, từ đó thúc đẩy các tiêu chí nông thôn mới.
Đặc biệt, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn giúp thành phố từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng phát triển kinh tế của Thủ đô, trong đó có định hướng phát triển nhiều huyện thành quận trong thời gian tới.
Đào tạo thích ứng thị trường
Nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, để nâng cao chất lượng các làng nghề, Hà Nội tổ chức 50 lớp tập huấn, đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho làng nghề; tổ chức 2 đoàn công tác đi trao đổi kinh nghiệm và kết nối vùng nguyên liệu cho các làng nghề năm 2023 và tổ chức hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng lao động, gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp, HTX, thị trường lao động và giải quyết việc làm; phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt 73,2%.
Những chính sách này của Hà Nội chính là cơ hội cho người dân, thành viên HTX, người lao động tại các cơ sở sản xuất nâng cao năng lực, chất lượng tay nghề, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp thông qua các khóa đào tạo nghề cụ thể, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Theo Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội, muốn phát triển thành phố cân bằng ở cả nông thôn và thành thị, cần phải chú trọng đáp ứng đủ cả hai nguồn nhân lực: Nhân lực lao động trí óc và lao động sản xuất.
Muốn làm được điều này, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, cần quan tâm đầu tư về đào tạo nghề cho lao động nông thôn… để phát triển ngành nông nghiệp của Hà Nội theo hướng chuyên nghiệp. Phát triển đào tạo nghề nông thôn sẽ góp phần không nhỏ trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với thị trường lao động, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay.
Thực tế, nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, có tay nghề giỏi tại các HTX ở nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu. Chính vì vậy, song song với các chính sách đào tạo nghề, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, người dân, lực lượng lao động… về vai trò của hướng nghiệp và đào tạo nghề nghiệp trong phát kinh tế tập thể, HTX cũng như phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung.
Để thu hút lao động có tri thức, có tay nghề làm việc tại các HTX, địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp, nhà trường trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, góp phần giúp các cơ sở sản xuất, làng nghề, HTX doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Minh Nhương