Cooperatives | Thứ năm, 8/12/2022 | 06:11 GMT+7
0 |

Kết quả và tác động của chính sách đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX vùng DTTS trung du và miền núi phía Bắc

Từ khi đất nước đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực thi nhiều chính sách và chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là thành viên, người lao động HTX vùng dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực trung du và miền núi phía Bắc với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau và đã thu được nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều hạn chế bất cập như cơ cấu ngành đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, công tác xác định nhu cầu để xây dựng kế hoạch đào tạo còn thiếu tính sát thực, chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân của người lao động, chủ yếu còn quá nặng nề về các nghề nông nghiệp và phát triển kinh tế sau đào tạo nghề còn nhiều bất cập

Do đó, cần có những đánh giá về hiệu quả, tác động của chính sách đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX vùng DTTS, đặc biệt là DTTS khu vực trung du miền núi phía Bắc, giúp họ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống tốt đẹp và phát triển hơn. Từ đó đánh giá về hiệu quả, tác động của chính sách đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX vùng DTTS cũng như đề xuất những giải pháp, xây dựng mô hình để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, cả về quy mô, chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX vùng DTTS trung du, miền núi phía Bắc.

Cho đến nay, chính sách đào tạo nghề cho người DTTS được thể hiện dưới nhiều hình thức như chương trình, chính sách, dự án thông qua các thể thức văn bản khác nhau bao gồm nghị quyết, nghị định, quyết định. Tuy nhiên, các chính sách dạy nghề này chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung như Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hoặc các chính sách đặc thù cho giáo dục, cho vùng DTTS.

* Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX vùng DTTS:

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;

- Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Ưu đãi về tín dụng;

- Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;

- Chế biến sản phẩm.

- Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS

- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;

- Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;

- Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;

- Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế

- Thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX

Có thể nói, cơ cấu của thành viên, người lao động HTX qua đào tạo nghề có việc làm đối với vùng dân tộc thiểu số đang dần được cân bằng giữa các dân tộc qua các năm.

Số thành viên, người lao động HTX ở nông thôn được đào tạo nghề có việc làm cao hơn ở khu vực thành thị.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT), HTX được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhằm hướng tới việc phát triển bền vững cho thành phần kinh tế này. Chính vì vậy, để các thành phần này có thể theo kịp, “sánh bước” cùng với các loại hình kinh tế khác thì việc quan tâm đến đào tạo nghề cho thành viên, người lao động ở khu vực này là hoàn toàn cần thiết. Có thể thấy, lao động qua đào tạo nghề ở khu vực KTTT thường chiếm tỷ lệ cao nhất trong các năm, chiếm khoảng ½ số lao động được đào tạo nghề.

Mặc dù loại hình kinh doanh trong khu vực KTTT giải quyết được số lượng lớn lao động qua đào tạo nghề nhưng nhìn chung tiền lương của thành viên, người lao động trong khu vực này thường thấp hơn so các khu vực kinh tế khác. Tuy vậy, điểm sáng cần được ghi nhận đó là thu nhập của thành viên, người lao động HTX qua đào tạo nghề ở loại hình KTTT, HTX đã tăng đều qua các năm.

Việc triển khai các chương trình đào tạo nghề nói chung và chương trình đào tạo nghề cho thành viên, người lao động vùng DTTS khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói riêng đã góp phần dần dần thay đổi nhận thức của xã hội về đào tạo nghề cũng như ích lợi của đào tạo nghề.

Trong những năm qua, xã hội đã thấy được sự cần thiết của đào tạo nghề và ghi nhận những đóng góp mà lao động đào tạo nghề đem lại.

Theo kết quả khảo sát tại một số tỉnh thuộc vùng DTTS ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc trong các HTX, dự định sau khi tốt nghiệp của học viên tham gia khảo sát như sau: đa số các em muốn tiếp tục làm công ăn lương tại các HTX (chiếm xấp xỉ 70%), chỉ một số ít các em dự định tự sản xuất kinh doanh (chiếm 2,2%), số có dự định tiếp tục đi học là chiếm 24,4%.

Sự chuyển biến trong nhận thức đã tạo thành động lực để người học nghề và cha mẹ lựa chọn học nghề, góp phần vào sự thay đổi đó có phần không nhỏ là nhờ các hoạt động tuyên truyền và tư vấn về học nghề.

Những thành viên, người lao động lớn tuổi là những người đã được tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, lao động, sản xuất, các HTX sẽ cần những lao động này để truyền đạt những hiểu biết vốn có cho những lao động trẻ để tăng năng suất lao động.

* Ưu điểm

Kết quả phân tích cho thấy trong giai đoạn vừa qua, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm đến dạy nghề cho thành viên, người lao động vùng DTTS nói chung và khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói riêng, chính sách dạy nghề cho lao động ở khu vục này đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Cụ thể là:

Về ban hành chính sách: Nhiều chính sách đã được ban hành hướng tới hỗ trợ cho người học, qua đó góp phần giúp thành viên, người lao động được học nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách: Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngày càng được mở rộng, người học nghề nhận được hỗ trợ khá toàn diện cả trong và sau quá trình học.

Số lượng thành viên, người lao động HTX vùng DTTS tham gia học nghề trong các trường đào tạo nghề chuyên nghiệp tăng qua các năm, đặc biệt là tham gia học sơ cấp nghề.

Các chính sách dạy nghề cho lao động vùng DTTS cũng giúp tăng cường vốn đầu tư cho các trường đào tạo nghề, xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và thu hút con em đồng bào các dân tộc đi học cũng như thu hút giáo viên tham gia đào tạo nghề tại các khu vực miền núi và khu vực đặc biệt khó khăn.

* Hạn chế

Bên cạnh các thành công cơ bản nêu trên, kết quả phân tích và đánh giá tác động của chính sách đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX vùng DTTS trung du, miền núi phía Bắc cho thấy bản thân chính sách và việc thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế sau:

Từ phía người học, tỷ lệ lao động ổn định việc làm sau đào tạo mặc dù có cải thiện, song chủ yếu thuộc nhóm ngành nông nghiệp - lâm nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, năng suất lao động còn thấp.

Thành viên, người lao động là người DTTS được đào tạo nghề còn thấp, mới chiếm trên 14% trong tổng số người DTTS trong độ tuổi lao động; đa số người DTTS mới tham gia học nghề ngắn hạn, số lao động là người DTTS học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề rất thấp (chủ yếu tham gia các lớp ngắn hạn dưới 3 tháng và tập trung vào nghề nông nghiệp).

Nhiều lao động DTTS được đào tạo nhưng không có việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo; lao động học nghề phi nông nghiệp khó có điều kiện áp dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất; số lao động DTTS chuyển đổi từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sau học nghề còn hạn chế.

Các cơ sở đào tạo nghề vẫn còn những chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Công tác tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ học viên có việc làm chưa thực sự có hiệu quả do chưa gắn đào tạo với đơn vị thực tế trên địa bàn.

Mặc dù đã quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học nghề nhưng chính sách đào tạo còn có những điểm chưa thực sự phù hợp với thực tế, đặc biệt là chính sách cho vay để phát triển sản xuất có những điều kiện mà người DTTS khó đáp ứng đươc nên không có/thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề được học vẫn chỉ áp dụng các chính sách chung. Chưa có các chính sách đặc thù phù hợp với tình hình kinh tế địa phương cũng như phong tục tập quán từng khu vực dẫn đến một số thành viên, người lao động tham gia đào tạo nghề theo phong trào, không phù hợp với nhu cầu của HTX vùng DTTS.

Có thể thấy, bên cạnh mặt tích cực như góp phần giúp thành viên, người lao động được đào tạo nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của bản thân và gia đình, góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo của vùng; chính sách đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX vùng DTTS khu vực trung du, miền núi phía Bắc vẫn còn những hạn chế như: (1) Thiếu chính sách đặc thù riêng của vùng DTTS (2) Tỷ lệ lao động có việc làm chủ yếu thuộc nhóm ngành nông nghiệp - lâm nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động; (3) Chưa có chính sách riêng cho giáo viên dạy nghề ở các trường, trung tâm dạy nghề cho người DTTS và giáo viên dạy nghề là người DTTS; (4) Một số nghề đào tạo chưa thực sự phù hợp tại vùng DTTS như các nghề: cơ khí, điện lạnh, hàng, sửa chữa điện thoại đối với nam giới và may mặc, uốn tóc đối với nữ; (5) Chính sách đào tạo còn có những điểm chưa thực sự phù hợp với thực tế, đặc biệt là chính sách cho vay để phát triển sản xuất; (6) Nhiều HTX còn hoạt động cầm chừng, chưa mạnh dạn đổi mới. 

Để khắc phục các hạn chế trên, đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp thực tiễn với từng địa phương trong vùng, nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS nói chung, vùng đồng bào DTTS trung du, miền núi phía Bắc nói riêng.

Kim Yến

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu