Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến cuối năm 2022, khoảng 11 - 14% sản lượng nông nghiệp trên cả nước đã được sản xuất, tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết.
Hơn 4000 HTX tham gia chuỗi
Đặc biệt, cả nước có khoảng 18.760 HTX nông nghiệp, 125 liên hiệp HTX. Trong đó có 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX. Tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.
Điều này cho thấy, kinh tế tập thể, HTX đang là nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Bởi theo thống kê hiện có 4 chủ thể chính tham gia chuỗi giá trị là nông dân, HTX, nhà khoa học, doanh nghiệp. Trong đó số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi là khoảng 1.900 còn số HTX là 4.028.
Có thể thấy, chuỗi giá trị đã trực tiếp và gián tiếp giúp người nông dân, thành viên HTX sản xuất theo nhu cầu thị trường trên cơ sở đặt hàng và mức tiêu thụ.
Tham gia chuỗi cũng giúp người dân, thành viên HTX chủ động trong việc thương lượng các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người trực tiếp sản xuất ra nông sản, đồng thời giúp người dân, thành viên HTX tiếp cận kinh nghiệm, thông tin, thị trường, vốn sản xuất để sản xuất những sản phẩm phù hợp thị trường hơn, với chi phí sản xuất tốt hơn.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp hữu cơ V-Organic (Hòa Bình) không chỉ dừng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào nhằm hỗ trợ thành viên giảm chi phí sản xuất mà còn liên kết sản xuất theo chuỗi với HTX ở TP Hà Nội.
Bà Cấn Thị Thùy Trang, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: Tổng diện tích sản xuất rau sạch của HTX gần 8 ha. Để tạo thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài, HTX liên kết với HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao. HTX Đông Cao sẽ cử cán bộ kỹ thuật giúp thành viên HTX sản xuất theo quy trình trồng rau an toàn và và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Nhiều HTX đang tăng cường các mối liên kết để xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. |
Tham gia sản xuất theo chuỗi giúp HTX V-Organic giảm 80% khó khăn về tìm kiếm thị trường để chú trọng vào sản xuất. Trung bình năng suất rau màu đạt 60 tấn/ha, giá bán khoảng 5.000 đồng/kg.
Việc phát triển chuỗi giá trị có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp, ở hầu hết các tỉnh, thành hiện nay đều đã phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa với mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Tuy số HTX tham gia chuỗi giá trị hàng hóa có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhưng theo các chuyên gia, các chuỗi này vẫn còn lỏng lẻo và khó mở rộng.
Nguyên nhân là vẫn còn nhiều hộ nông dân chưa quan tâm đến việc liên kết trong sản xuất nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, chưa có dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký hợp đồng với trang trại, HTX có vùng sản xuất quy mô lớn, có lượng sản phẩm ổn định…
Khó hút thành viên
Bên cạnh đó, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho phát triển chuỗi liên kết nhưng người dân, HTX và cả doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Điều này khiến nhiều HTX gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra hoặc đầu tư cho sơ chế, chế biến sâu.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết mặc dù Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/07/2018 của Chính phủ ra đời khá lâu nhưng đến nay mới có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo nghị định này. Và cũng mới chỉ có 1.250 HTX nhận được hỗ trợ từ Nghị định 98, trong khi số lượng HTX nông nghiệp hiện nay khá lớn.
Điều này là do công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa rộng rãi. Một số điều kiện quy định để HTX được hưởng chính sách liên kết quá chặt chẽ khiến chính sách hỗ trợ xa tầm với đối với các mô hình kinh tế tập thể.
Chẳng hạn như quy định HTX phải có thời gian liên kết ổn định 3 năm hoặc 3 chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, do tỷ lệ phần trăm nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn thấp nên HTX nào phải có vốn đối ứng thì mới đảm bảo được điều kiện hỗ trợ.
Bà Vũ Thị Huyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (Hà Nội) cho rằng, điều kiện trong chính sách đưa ra rất chặt chẽ. Chẳng hạn như HTX phải tham gia các dự án liên kết. Hồ sơ phức tạp vì yêu cầu phải có nhiều loại giấy chứng nhận như bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Theo bà Huyền, đa số HTX có quy mô nhỏ, khó khăn về vốn hoặc đang trong quá trình hoàn thiện giấy chứng nhận mới mong muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ. Nhưng với các quy định trên, rất ít HTX đủ điều kiện để tiếp cận. Chính vì vậy mà số lượng thành viên của HTX cũng mới chỉ dừng ở mức 15 người, khó thu hút người dân tham gia HTX.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, nếu sản xuất đơn lẻ, không theo chuỗi giá trị thì sản phẩm nông nghiệp của người dân, HTX sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, để thu hút người dân tham gia các chuỗi giá trị cũng như giúp các HTX phát triển chuỗi liên kết theo hướng bền vững, trước tiên các chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi cần thiết thực hơn.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Hà Nội), cho rằng việc tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong Nghị định 98 không chỉ giúp các HTX tăng nội lực và còn thu hút doanh nghiệp liên kết bền chặt với các HTX để hình thành những chuỗi giá trị thực sự lớn mạnh.
Đi liền với đó, Nhà nước cần có chính sách giao đất, cho HTX thuê đất theo giá quy định, không phải thông qua đấu thầu như theo quy định của Luật đất đai để các HTX có điều kiện đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao nhằm hoàn thiện chuỗi. “Nếu làm được vậy, HTX rất thuận lợi thu hút người dân tham gia sản xuất, liên kết và mở rộng quy mô”, ông Minh nói.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp địa phương cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết giá trị nông sản như hỗ trợ lãi vay ở mức ưu đãi, hỗ trợ HTX dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để thuận tiện cơ giới hóa thay vì sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Có như vậy mới từng bước hình thành chuỗi giá trị bền vững và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Huyền Trang