Khảo sát của VnBusiness tại thời điểm cuối tuần trước, giá lợn hơi cả nước chỉ dao động ở mức 47.000-52.000 đồng. Với mức giá này, những HTX chăn nuôi quy mô nhỏ, phải đi mua con giống, mỗi kỳ xuất chuồng có thể lỗ khoảng 9 trăm đến 1 triệu đồng/con vì giá thức ăn quá cao.
Chưa thấy lãi
Đối với trứng gia cầm, giá khảo sát trứng gà đỏ xuất chuồng bình quân 2.000 đồng/quả, giá trứng gà trắng 1.900 đồng/quả, trứng vịt là 1.900 đồng/quả. Còn tại các chợ truyền thống, giá các loại trứng tăng 1.500-2.000 đồng/chục.
Ông Nguyễn Ngọc Mới, Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt ấp 10 (Đồng Tháp) cho biết, hiện tại sức tiêu thụ trứng đã tăng so với thời gian ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn chưa được như trước, chỉ khoảng 300-500 đồng/quả, còn thấp hơn giá trước Tết khoảng 300 đồng/quả. Với mức giá gần 2.000 đồng/quả, nếu ai thực sự biết tính toán thì mới hòa vốn, còn không vẫn lỗ.
Việc giá các sản phẩm gia súc, gia cầm đang ở mức thấp khiến không ít hộ dân, HTX chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn, mở rộng sản xuất vì sợ sẽ tiếp tục thua lỗ. Việc giá gia súc gia cầm và những sản phẩm liên quan, có giá thấp trong thời gian dài được cho là do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng kéo chi phí sản xuất tăng.
Theo Cục Chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp đôi so với mức chi phí năm 2020.
Lãi suất ngân hàng cao khiến nhiều HTX chăn nuôi khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh trong khi giá cả đầu vào vẫn ở mức cao. |
Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn cả các trang trại, HTX, doanh nghiệp vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 70-75% tổng chi phí chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá gà lông trắng đang khoảng 29.000 -30.000 đồng/kg nhưng chi phí đầu tư lên đến 32.000 -33.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ vì giá thức ăn cao.
Không chỉ gánh lỗ do giá thức ăn chăn nuôi tăng mà người chăn nuôi, thành viên HTX cũng đau đầu vì các sản phẩm thịt và phụ phẩm chăn nuôi đông lạnh nhập khẩu giá rẻ.
Chẳng hạn, thống kê năm 2022 cho thấy Việt Nam nhập khẩu khoảng 178.000 tấn thịt gà nhưng chỉ xuất được 1.000 tấn. Việc này là do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, thịt nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được loại bỏ thuế quan. Điều này giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn cho bữa cơm gia đình nhưng lại tạo sức ép lớn về đầu ra và giá cả cho các HTX chăn nuôi.
Khó cạnh tranh
Theo các chuyên gia, chăn nuôi là ngành dễ bị tổn thương nhất, gặp nhiều khó khăn nhất khi thị trường mở cửa. Để chăn nuôi không thua trên sân nhà, cần có những giải pháp căn cơ. Trong đó, cần tập trung cho những HTX, doanh nghiệp đang có sẵn và tiềm lực nhằm từng bước tạo sự lan tỏa đến các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó đưa ra lộ trình đưa các sản phẩm của ngành chăn nuôi vào những thị trường mới.
Để có thể khai thác được lợi ích từ các FTA, các HTX, doanh nghiệp người chăn nuôi cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Từ đó, nâng cao chất lượng, đầu tư cho sơ chế, chế biến sâu nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng giá trị cho nông sản, sản phẩm chăn nuôi.
Theo ý kiến của lãnh đạo một HTX, khi ngành chăn nuôi phát triển sẽ giúp được hàng triệu người dân, thành viên HTX, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế cả nước. Thế nhưng, việc các HTX, người dân tham gia phát triển chăn nuôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi suốt một thời gian dài, giá lợn, gà… ở mức thấp, chi phí đầu tư lại cao.
Điều này một phần là do thống kê của ngành chăn nuôi còn hời hợt, chưa cụ thể, không chi tiết. Chính vì vậy, các HTX, người dân rất khó xây dựng được những định hướng cụ thể cho tương lai. Đi kèm với đó là HTX, người dân khó có thể có thể chủ động trong việc phát triển sản xuất, đầu tư sâu nên xảy ra tình trạng không điều tiết được thị trường, trong sản xuất lúc dư thừa, lúc thiếu hụt.
Bên cạnh đó, muốn đầu tư cho chăn nuôi bài bản cần nguồn vốn lớn hơn rất nhiều so với ngành trồng trọt. Lúc này, ngân hàng và lãi suất ngân cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các HTX, người dân sản xuất, nhất là theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên thực tế hiện nay, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và lãi suất ngân hàng cao chính là lực cản đối với các HTX. Khi khó có vốn nhưng giá thành sản phẩm hạ, áp lực tranh tranh lớn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao chắc chắn không tạo điều kiện cho các HTX đầu tư cho sản xuất.
Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long (Hà Nội), lãi suất cho vay của các ngân hàng lên đến 15-16%/năm là rất cao so với HTX. Như thế, doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài, với các khoản vay từ bên ngoài bằng ngoại tệ có lãi suất thấp hơn nhiều, sẽ ngày càng lấn lướt doanh nghiệp, HTX trong nước. Người dân, HTX cũng không mặn mà bỏ vốn đầu tư cho chăn nuôi khi họ có thể để tiền nhàn rỗi trong ngân hàng hưởng lãi cao.
Huyền Trang