Nhiều HTX đã giải quyết được những vấn đề lớn như: việc làm, nâng cao thu nhập, đặc biệt là đã tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, phát triển kinh tế và ổn định đời sống cho thành viên và hộ dân liên kết.
Thúc đẩy bao tiêu sản phẩm
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 HTX đang hoạt động, tổng số vốn điều lệ trên 1.300 tỷ đồng.
Các HTX đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, hộ dân liên kết. |
Với việc chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, các HTX trong tỉnh đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp giảm nghèo bền vững.
Các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh.
Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững. Tiêu biểu như: HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình (Lâm Bình), HTX Chè 168, HTX Chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); HTX Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); HTX Sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang)...
Ông Ma Ngọc Thành, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình, huyện Lâm Bình cho biết: Hiện nay, HTX đã từng bước củng cố, mở rộng sản xuất kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu sản xuất, xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể, liên kết với các hộ dân, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, hoạt động của HTX đã đi vào hoạt động ổn định và phát triển, HTX đang từng bước mở rộng theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, với những dịch vụ chính như: Dịch vụ vật tư nông nghiệp, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, sơ chế biến nông sản, chăn nuôi gia súc, dịch vụ công ích, quản lý khai thác công trình nước sạch, chợ nông thôn…
Lãnh đạo UBND xã Thổ Bình đánh giá: HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình là đơn vị tiên phong trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, HTX đã chủ động liên kết với bà con nông dân để tổ chức sản xuất, theo đó HTX đã cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời chủ động ký kết hợp đồng với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
“Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thổ Bình còn nhỏ lẻ, manh mún, mức độ áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật còn thấp thì sự đổi mới hoạt động của HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình sẽ góp phần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường, giúp nhiều người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, đại diện UBND xã Thổ Bình nói.
Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Hiện, Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 52%. Đồng bào các DTTS, thời gian qua đã tích cực tham gia phát triển HTX, qua đó từng bước giảm nghèo, vươn lên làm ăn khấm khá.
Nhiều HTX đã tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững và giúp các hộ thành viên nâng cao đời sống. |
Nhiều HTX đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Bên cạnh đó, HTX đã năng động phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa dịch vụ, liên kết chuỗi, tập hợp được nhiều thành viên là đồng bào DTSS.
Ông Hoàng Văn Hảo, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhận thức được tầm quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo chung giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo DTTS và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% trở lên. Đặc biệt, đến năm 2023 sẽ không còn người có công, hộ đối tượng chính sách là hộ nghèo.
Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp các HTX vùng DTTS ổn định sản xuất, từng bước phát triển và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi cách thức sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, mở ra cơ hội làm giàu cho nhân dân trên địa bàn.
“Để kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đi vào thực chất, đóng góp chung vào phát triển kinh tế tập thể, HTX và kinh tế xã hội, Tuyên Quang cần phối hợp trong công tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với địa phương thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi, các chính sách, chương trình dự án, đề án phát triển kinh tế xã hội, các dự án bảo tồn và phát triển với các nhóm DTTS thông qua việc phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác… Điển hình trong số đó là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, ông Hoàng Văn Hảo cho hay.
Có thể thấy, việc phát triển HTX theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên.
Các HTX đa dịch vụ đã tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững và giúp các hộ thành viên nâng cao mức sống, tạo tiền đề để HTX tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và là điểm tựa lâu dài của người nông dân.
Đoàn Huyền