Những năm gần đây, cơ giới hóa đã bước đầu được người dân, HTX quan tâm đầu tư và đáp ứng nhu cầu bức thiết của sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Cơ giới hóa chưa đồng đều
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương), để hỗ trợ thành viên sản xuất lúa hàng hóa, HTX đã đầu tư máy cấy, máy cày, máy gặt đập liên hợp và gần đây nhất là thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương tiện bay. Hiện, 100% diện tích đất sản xuất của HTX đã được cơ giới hóa, từ đó giúp giảm chi phí đầu vào, lúa ít sâu bệnh, năng suất ổn định từ 2,2-2,3 tạ/sào, cao hơn những nơi khác từ 20-30 kg/sào. Do đó, người dân, thành viên gắn bó với đồng ruộng, không xảy ra tình trạng đất bị bỏ hoang.
Ông Vũ Đình Tam, Giám đốc HTX, cho biết hiện một máy cấy có thể thay thế 70-80 người nên một ngày, HTX có thể cấy hàng chục mẫu ruộng là chuyện không khó. Việc cơ giới hóa đồng ruộng là phù hợp với thời đại 4.0 và giúp HTX kết nối bền vững với doanh nghiệp bao tiêu.
Những năm qua, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp tại các HTX giống như HTX Mộ Trạch đã có nhiều khởi sắc và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông, lâm và thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng.
HTX dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch đi đầu trong cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. |
Theo Bộ NN&PTNT, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng cao. Trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 94%; khâu gieo trồng đạt 42%; khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%... Nhờ đó, người dân, HTX đã tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm lao động nặng nhọc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Cơ giới hóa cũng thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn. Điển hình như hình thành nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp-HTX-nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn kết hợp các dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...
Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có trên 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, điều này đồng nghĩa với việc các HTX này đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy việc ứng dụng cơ giới hóa tại các HTX chưa đồng đều ở các khâu. Trong sản xuất, cơ giới hóa mới chủ yếu thực hiện ở khâu làm đất, gieo hạt, chăm sóc còn khâu thu hoạch, sơ chế và bảo quản, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp. Đặc biệt các HTX lâm nghiệp dù là ngành nghề vất vả nhưng các khâu sản xuất chủ yếu là thủ công.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX lâm nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam), cho biết tại các HTX lâm nghiệp hiện nay, cơ giới hóa chỉ mới được thực hiện ở khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn, mất nhiều sức lao động như trồng, chăm sóc, bốc xếp thì tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa thấp, chỉ khoảng 5-10%.
Để chính sách đi vào thực tiễn
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã khắc phục tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp. Người dân cũng thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công chuyển sang hình thức sản xuất tập trung. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là về nguồn vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Hiếu Bình (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) cho biết, một máy cấy kubota có giá 70-90 triệu đồng, một thiết bị bay phun thuốc trừ sâu có giá trên 200 triệu đồng, còn một máy gặt đập liên hợp tùy loại có giá từ 120-540 triệu đồng… "Người dân vẫn biết là cơ giới hóa mang lại nhiều lợi ích, nhưng nguồn vốn hạn hẹp trong khi máy móc đều có giá trị lớn nên nhiều HTX không thể đầu tư đồng bộ", ông Khải nói.
Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ các HTX trong quá trình thực hiện cơ giới hóa vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Theo đó, Quyết định số 68/2013/QĐ -TTg có quy định đối tượng là các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ cơ giới nông nghiệp và các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, HTX hoặc nông dân, khi mua máy, thiết bị sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3, mức vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa.
Tuy nhiên, dù Quyết định này đã đi vào thực tiễn từ năm 2014 nhưng đến nay, không ít HTX vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ. Đơn cử như HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã liên hệ với ngân hàng để vay vốn mua máy chế biến xoài, nhưng gặp nhiều quy định phức tạp trong quá trình làm hồ sơ. Hơn nữa, loại máy HTX cần mua lại không có trong danh mục được ưu đãi. Chính vì vậy, đến nay dù rất muốn nâng cao giá trị sản phẩm nhưng HTX chủ yếu bán sản phẩm thô ra thị trường.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết để thúc đẩy người dân, HTX đẩy mạnh cơ giới hóa, Nhà nước đã ban hành các chính sách về vốn, dồn điền đổi thửa và cụ thể nhất là Quyết định số 68/2013/QĐ -TTg… Tuy nhiên, việc hỗ trợ máy móc cho người dân, HTX còn bó hẹp, chưa phù hợp với thực tế sản xuất của các HTX nên chưa phát huy được hiệu quả.
“Cụ thể như quy định các máy sấy nông sản, thủy sản thì những mô hình thuộc quy mô hộ nhỏ, liên hộ mới được hưởng hỗ trợ lãi suất. Do vậy, các HTX, doanh nghiệp khi đầu tư các loại máy móc sẽ không được hưởng ưu đãi từ chính sách”, ông Lê Quốc Thanh phân tích.
Theo ông Thanh, một chính sách muốn đến được với người dân, HTX thì rất cần phù hợp với thực tiễn. Khi những mô hình cụ thể từ thực tiễn áp dụng các chính sách này hiệu quả thì mới có thể lan tỏa và chia sẻ các kinh nghiệm về ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Khi đẩy mạnh cơ giới hóa trong các HTX một cách đồng bộ và hiệu quả sẽ góp phần xây dựng các mô hình sản xuất lớn tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Huyền Trang