Hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho phát triển HTX được triển khai từ các nguồn kinh phí như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Nguồn ngân sách địa phương; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững… Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn đầu tư và chính sách đầu tư từ các chương trình, dự án trên cho hạ tầng HTX vẫn chậm triển khai trong thực tế...
Nhìn từ tỉnh Quảng Trị
HTX nông nghiệp Triệu Thuận (huyện Triệu Phong) là một trong những HTX được đầu tư khá hoàn thiện về cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất của các thành viên, HTX hiện có 10 dịch vụ cung ứng cho bà con. Không chỉ tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh mà HTX còn là đơn vị tiêu biểu của huyện Triệu Phong về đầu tư giao thông và kênh mương nội đồng, 100% hệ thống kênh mương được bê tông hóa, có được thành công này là nhờ sự năng động của HĐQT HTX và sự đồng thuận của người dân.
Trạm bơm xuống cấp không được đầu tư sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất sản lượng sau mỗi mùa vụ (Ảnh: TL) |
Nhưng không phải HTX nào ở Quảng Trị cũng được đầu tư cơ sở hạ tầng thuận lợi như HTX Triệu Thuận. Đơn cử như HTX Vân Hòa (Triệu Hòa), hiện nay hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 7 km vẫn chưa được bê tông hóa. Hằng năm HTX phải hợp đồng với công ty môi trường để nạo vét kênh mương để có thể dẫn nước về đồng ruộng, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người dân . Ông Nguyễn Văn Đình, Phó giám đốc HTX Vân Hòa cho biết, với 170 ha đất nông nghiệp, mỗi năm người dân Vân Hòa sản xuất 2 vụ lúa, hệ thống kênh mương chưa được bê tông hóa, do vậy thiếu nước cho cây lúa thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.
Hay như ở HTX DVNN Đại Hào (Triệu Đại), hệ thống kênh mương đã được bê tông hóa nhưng lại gặp khó do trạm bơm bị xuống cấp, HTX hiện có 2 trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho 120 ha lúa nhưng 2 trạm bơm này được xây dựng cách đây đã 30 năm nên hệ thống đều xuống cấp không phục vụ được nước tưới cho người dân. HĐQT HTX rất trăn trở khi không có nguồn vốn cho việc tu sửa trạm bơm, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới cho diện tích lúa của bà con mà còn ảnh hưởng đến năng suất sản lượng sau mỗi mùa vụ.
25/63 tỉnh, thành phố đã triển khai
Câu chuyện về các HTX nông nghiệp ở Quảng Trị gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng dẫn đến năng suất lao động giảm không phải là chuyện hiếm ở nhiều địa phương hiện nay. Trên thực tế, nhiều địa phương, hạ tầng cơ sở cho các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, có thể kể đến như: phần lớn trụ sở làm việc đều xuống cấp, trang thiết bị như máy móc, công nghệ, lạc hậu, hệ thống kênh mương, nhà kho, hệ thống nhà sơ chế, bảo quản sau thu hoạch...đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế, xã hội (Ảnh: TL) |
Câu chuyện này dù đã được đưa ra bàn thảo ở nhiều Hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ nhưng có vẻ như cũng chưa mấy thay đổi. Đề cập đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng, trong giai đoạn 2016-2019 có 25/63 tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX theo chính sách quy định tại Quyết định 2261 của Thủ tưởng, trong đó có 113 HTX được ngân sách nhà nước hỗ trợ 156 tỷ đồng. Năm 2019 - 2020 các tỉnh đang triển khai hỗ trợ 103 HTX với kinh phí 114 tỷ đồng. Bình quân mỗi HTX được hỗ trợ 1,25 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, HTX đóng góp đối ứng thông thường từ 20 đến 59% tổng mức đầu tư.
Theo Bộ NNPTNT, đã có những dự án hỗ trợ HTX với mức đầu tư chỉ 100 triệu đồng/HTX, riêng đối với các hỗ trợ về công trình thủy lợi nội đồng có mức đầu tư cao như tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất quy mô lớn cho 8/9 HTX tham gia thí điểm HTX kiểu mới theo Quyết định 445 của Thủ tướng với các danh mục như: kiên cố hóa kênh mương, công trình điều tiết, nạo vét nội đồng… với tổng kinh phí trên 94 tỷ đồng.
Dù đã có những hỗ trợ như vậy, nhưng thực tế số kinh phí trên chỉ như "muối bỏ bể" đối với nhu cầu thực tế hiện nay của các HTX trong cả nước. Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán vốn đầu tư cho hạ tầng HTX, ngoài việc tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, vận dụng các cơ chế để xã hội hóa đầu tư hạ tầng phát triển HTX như kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đối tác, tổ chức trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX, thực hiện đầu tư, liên kết với HTX nông nghiệp, kêu gọi đầu tư vào HTX theo hình thức đối tác công - tư…
Minh Thành