Ông Nguyễn Văn Đáng, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vinh Quang (Hải Phòng), cho biết đang định đầu tư máy cuốn rơm vì thấy lợi nhuận từ hoạt động này cũng khá, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Cân não bài toán giá thành
Tuy nhiên, suy đi tính lại ông vẫn “rén” vì thứ nhất, đầu tư máy cuốn rơm ít cũng có giá 300-400 triệu đồng/máy, thứ hai là đồng ruộng ở miền Bắc vẫn nhỏ lẻ, không như những cánh đồng quy mô lớn ở miền Nam thuận lợi đưa máy móc vào vận hành. Trong khi năm nay, bão lũ ập đến, nhiều vùng ở miền Bắc không còn rơm rạ để cuốn.
Còn ông Hoàng Văn Huynh, Giám đốc HTX Hoàng Huynh (Bắc Kạn), cho rằng tâm lý chung hiện nay vẫn là mua nông sản chưa đủ tiêu chuẩn vào siêu thị, xuất khẩu để chế biến với mục đích tiết giảm chi phí. Bởi nếu không tính toán đến bài toán giá thì việc đầu tư cho chế biến rất dễ thua lỗ.
Trung bình phải mất 7-8 kg chuối tươi (xanh) hoặc 11-12kg chuối già (đã chín) mới sản xuất được một kg chuối sấy khô. Nếu mua chuối tươi đạt tiêu chuẩn với giá thấp nhất 20.000-25.000 đồng/kg thì riêng chi phí nguyên liệu cho 1 kg chuối sấy khô đã lên tới khoảng 200.000 đồng. Sản phẩm sau khi chế biến chỉ có thể bán được với giá cao nhất là 120.000-130.000 đồng/kg. Đây là một trong những lý do vì sao các đơn vị chế biến chỉ dám thu mua những nông sản loại 2, loại 3 để chế biến.
Đầu tư chế biến giúp phát triển chuỗi giá trị bền vững. |
Chính vì chỉ tập trung mua nông sản loại 2-3 để chế biến nên khi làm việc với nông dân để thu mua nông sản, nhiều hộ không mặn mà trong mối liên kết này. Thay vào đó, họ muốn liên kết với những đơn vị thu mua hàng tươi để xuất khẩu hoặc đưa vào siêu thị hơn.
Ông Chí Anh, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu AGO, cho biết riêng ở thủ phủ thanh long Bình Thuận hiện nay, mặt hàng này cũng chủ yếu xuất tươi đi các nước và tiêu thụ nội địa.
Người dân và cả người tiêu dùng cũng chưa thực sự mặn mà với những sản phẩm chế biến từ thanh long. Điều này có thể vì thanh long sau khi chế chiến có màu sắc và mùi vị chưa thuyết phục nhiều khách hàng. Trong khi riêng về hình thức và dinh dưỡng, thanh long tươi được ưa chuộng và đánh giá cao hơn.
Còn đối với các HTX sản xuất điều, cà phê, hồ tiêu cũng đang gặp vấn đề về giá nguyên liệu tươi tăng cao hơn 25-30% so với cuối năm 2023. Nếu tính thêm chi phí vận chuyển, xăng dầu… trong khi giá cà phê, hồ tiêu nhân xuất khẩu không tăng. Bên cạnh đó, đối với cà phê hòa tan và hoặc chế biến sâu, thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục, mỗi thị trường có một tiêu chuẩn khác nên dù chế biến nhưng đều cần nhạy bén, linh hoạt hơn.
Sản xuất đạt chất lượng cao ngay từ đầu
Thực chất, việc chế biến sâu các nông sản đã và đang được Bộ NN&PTNT khuyến khích. Bởi chế biến sâu giúp đa dạng sản phẩm, giải quyết bài toán quá tải trong bảo quản và giảm sức ép trong tiêu thụ nông sản tươi. Chế biến cũng là một trong những khâu của chuỗi giá trị hàng hóa bền vững nên đầu tư vào đây cũng sẽ là hướng đi lâu dài. Nông sản sau khi chế biến cũng giảm trọng lượng, giảm chi phí vận chuyển cho các đơn vị chế biến.
Theo TS Hoàng Văn Thể, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, hiện các sản phẩm chế biến từ nông sản của Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản như sấy khô, nghiền thành bột, sấy thăng hoa… Tức là nông sản đã chế biến nhưng vẫn còn ở dạng đơn thuần, chưa thực sự đặc sắc nên nhìn chung việc tiêu thụ ở một mức độ nào đó vẫn còn chưa rộng mở.
Khi chưa có sự đặc sắc về chất lượng, cùng với khâu mẫu mã chưa nổi trội, các sản phẩm này sẽ khó cạnh tranh với các sản cùng loại trên thị trường. Trong khi ở trong nước, người tiêu dùng Việt Nam chưa ưa chuộng những sản phẩm sấy, nghiền nhỏ.
Đặc biệt, nhiều đơn vị thực hiện chế biến nhưng coi đây là một hình thức giải cứu nông sản. Điều này tạo ra hiệu ứng không tốt vì một bộ phận người tiêu dùng có đánh giá chưa đa chiều về những nông sản này.
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng để thúc đẩy chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ nông sản thuận lợi, các HTX và ngành chức năng cần định hướng cho người dân sản xuất nông sản đạt chất lượng của quy trình nhất định. Hiện nay nhu cầu trong và ngoài nước đều hướng đến sản phẩm chế biến nhưng đòi hỏi chất lượng cao, đặc sắc hoặc có sự vượt trội về mùi vị, hình thức.
Do đó, ngay từ khâu sản xuất, nếu nông dân và thành viên HTX đặt mục tiêu xây dựng chuỗi ngành hàng đạt tiêu chuẩn cao thì không chỉ những nhà tiêu thụ nông sản tươi mà cả những nhà chế biến cũng sẵn sàng thu mua những loại rau củ quả nổi trội. Mục đích của họ là sẽ tạo ra những sản phẩm chế biến có giá trị cao, từ đó nâng giá trị của nông sản và thúc đẩy ngành hàng phát triển.
Bên cạnh vấn đề này, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sự quan tâm của các nhà quản lý trong ban hành chính sách, hỗ trợ nông dân, HTX trong tiêu thụ nông sản.
Bởi hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản, nhất là nông sản chế biến rất phù hợp cho tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên quốc gia. Việc hỗ trợ nông dân, HTX tiếp cận và bán hàng thành thạo trên các sàn thương mại điện tử cũng mở cơ hội xuất khẩu với nhiều khách hàng tiềm năng từ mua lẻ đến mua sỉ.
Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của chế biến sâu, hiện, Bộ NN&PTNT cũng tăng cường phối hợp với các địa phương để nâng công suất các cơ sở chế biến ở những địa phương có vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm. Liên minh HTX Việt Nam cũng đang là “bà mối” thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX để đẩy mạnh sản xuất xanh, kết hợp với bảo quản, chế biến nông sản bền vững.
Huyền Trang