Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động triển khai đồng bộ và linh hoạt các giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vụ na năm nay, góp phần nâng cao giá trị quả na trong thị trường nội địa và trên thị trường quốc tế.
“Vàng đen” ở chân núi đá
Với ưu điểm vượt trội, quả na dai được ví như “vàng đen” dưới chân núi đá giúp người dân huyện Chi Lăng vươn lên làm giàu, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến na của HTX Chi Lăng sẽ vướn tới những thị trường khó tính hơn trong tương lai. |
Từ những diện tích nhỏ ban đầu, đến nay, Chi Lăng đã có hơn 1.800 ha na cho thu hoạch, sản lượng năm 2021 đạt hơn 18.000 tấn.
Tuy nhiên, trước đây, phần lớn nông dân trồng theo phương pháp truyền thống, hàm lượng khoa học, kỹ thuật chưa cao nên ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả.
Nhằm nâng cao giá trị đặc sản địa phương, năm 2018, HTX nông sản huyện Chi Lăng được thành lập, cùng nông dân trồng na dưới chân núi nỗ lực tổ chức lại sản xuất, đứng ra làm đầu mối thu mua nông sản ổn định trên địa bàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX nông sản huyện Chi Lăng cho biết, sâu bọ là nỗi ám ảnh với nông dân trồng na. Nếu không phun thuốc bảo vệ thực vật thì chất lượng, mẫu mã na không đạt hiệu quả, vì thế sẽ bị thị trường quay lưng.
Hơn nữa, nhược điểm của quả na là chín nhanh, rất khó bảo quản sau thu hoạch. Thông thường, các hộ nông dân nơi đây phải hái trái lúc còn xanh để có thể chở đi xa tiêu thụ. Việc bán được na sang địa phương khác đã là vấn đề đau đầu, chưa nói gì đến xuất khẩu. Thêm nữa, nếu na chín đồng loạt dễ gặp cảnh dư hàng, dội chợ, giá rớt, bà con rơi vào cảnh thua lỗ.
Nếu có phương án hợp tác sản xuất sạch và bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp thì sẽ khắc phục được những khó khăn trên, bà con bớt phần trăn trở. Đó cũng là lý do mà HTX bắt tay liên kết trồng na sạch với với 3 đơn vị là HTX, tổ hợp tác sản xuất na trên địa bàn với tổng diện tích trên 30 ha của 25 thành viên cùng với 50 hộ vệ tinh trong suốt 3 năm qua.
Bắt tay vào sản xuất, bà con được HTX tập huấn về quy trình kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi, ghi chép hằng ngày để làm căn cứ đánh giá kết quả cuối cùng. Ngoài ra, thành viên HTX còn được hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tham quan và học tập tại các mô hình đã thành công.
Tham gia HTX, toàn bộ diện tích na của anh Hoàng Văn Chức, ở thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và an toàn, nên năng suất, chất lượng cũng tăng lên.
Tháng 8 vừa qua, mặc dù thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, nhưng việc thu hái, tiêu thụ na trên địa bàn vẫn diễn ra thuận lợi, giá cả ổn định.
Ngay sau khi thu hoạch xong, anh Chức cùng gia đình tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán theo hình chóp, tán rộng bên dưới và thưa dần trên cao, để đảm bảo tất cả các cành đều được hưởng ánh nắng mặt trời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào mùa vụ mới.
“Vụ vừa rồi, giống na dai vườn nhà cho quả “khổng lồ” nặng từ 0,4-0,8kg/quả và được HTX thu mua với giá thị trường từ 25.000-40.000 đồng/kg, giúp tôi lãi chắc trong tay hơn 200 triệu đồng”, anh Chức tiết lộ.
So với nhiều loại cây trồng khác, na dai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Từ ngày trồng na, gia đình anh Chức đã có của ăn, của để, làm được nhà cửa khang trang. Thấy trồng na là hướng đi đúng, đến nay, gia đình anh đã mở rộng lên gần 3 ha với hơn 2.000 cây cho thu hoạch.
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng na của gia đình anh Chức đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành điển hình tiên tiến để các thành viên trong HTX và nông dân địa phương học tập, làm theo, qua đó góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tự tin bước vào sàn thương mại điện tử
Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, na Chi Lăng không xuất khẩu được, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nội địa vẫn cao, giá cả ổn định nên bà con trồng na không lo lắng.
Sản phẩm na dai Chi Lăng đang được tỉnh Lạng Sơn tạo mọi điều kiện để tiêu thụ trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu. |
Đáng chú ý là HTX nông sản huyện Chi Lăng đã được các ngành chức năng của huyện hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn) của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Dịch bệnh phức tạp, nhưng HTX vẫn cố gắng duy trì thu mua na của 30-50 hộ trên địa bàn. Đến thời điểm này, HTX đã tiêu thụ hơn 120 tấn na đảm bảo sản lượng cho các hộ trồng trong vùng.
“Trước mắt, HTX vẫn nhận các đơn đặt hàng và ký hợp đồng cứng với các công ty cung cấp chuỗi thực phẩm nông nghiệp vào các siêu thị và kết hợp với một số cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh để tiêu thụ na. Ngoài ra, HTX cũng mở rộng quảng bá thương hiệu bằng cách như: xây dựng website, gian hàng trên Posmart… và một số hình thức tuyên truyền qua Facebook, Zalo”, bà Lý cho biết.
Đến nay, HTX đã liên kết với các công ty, siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Không chỉ góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm na trên địa bàn, HTX nông sản huyện Chi Lăng còn là “bà đỡ” cho sản phẩm ớt ở địa phương. Từ năm 2019 đến nay, vào vụ thu hoạch ớt, trung bình, HTX thu mua của bà con trên địa bàn huyện và khu vực lân cận khoảng 40-50 tấn ớt với giá từ 6.000-7.000 đồng/kg.
Cùng đó, HTX tạo việc làm cho hơn 100 lao động trên địa bàn để thực hiện các công việc thu hoạch, vận chuyển, đóng túi sản phẩm với thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày.
Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành cùng chất lượng đã đạt, sản phẩm na dai của HTX nông sản huyện Chi Lăng đang được tỉnh Lạng Sơn tạo mọi điều kiện tốt nhất vượt qua khó khăn, tiếp tục chinh phục những thị trường tiềm năng trên thế giới.
Mai Ngọc