Theo UBND xã An Sinh, so với các cây trồng truyền thống, cây na dai nghịch vụ đang cho thấy những ưu điểm vượt trội như dễ chăm sóc, một năm cho thu hoạch 2 lần, giá trị kinh tế ổn định, dễ tiêu thụ và đặc biệt khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”.
Ứng dụng kỹ thuật mới
An Sinh là một trong những vùng trồng na lớn nhất ở Đông Triều. Nơi đây có lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, loại đất màu đỏ son, tơi xốp giúp cây na phát triển tốt, chất lượng cao, vị ngọt, thanh tự nhiên.
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, trồng na cho giá trị cao hơn (Ảnh TL). |
Những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả, nhiều hộ trồng na của xã đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, ngắt lá, tỉa cành, thụ phấn theo kỹ thuật mới cho cây na để có thể thu hoạch 2 vụ/năm (1 vụ chính, 1 vụ nghịch).
Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, những quả na nghịch vụ đã và đang giúp người trồng na ở An Sinh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đáng chú ý, để nâng cao năng lực sản xuất, nhiều hộ trồng na trong xã đã liên kết để thành lập Tổ hợp tác trồng na xã An Sinh.
Ông Phạm Văn Nhất, thành viên Tổ hợp tác cho hay, na chính vụ rơi vào khoảng tháng 7 - 8 âm lịch, còn nghịch vụ vào khoảng tháng 10 - 11 âm lịch. Do sản lượng ít nên na nghịch vụ tiêu thụ nhanh, giá bán cao gấp 1,5 - 2 lần so với na chính vụ.
Đặc biệt, hầu hết người dân xã An Sinh đều trồng na theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường. Cụ thể, trong quá trình canh tác, các hộ chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục, được tính toán liều lượng cụ thể.
Các loại thuốc bảo vệ thực vật phục vụ trồng na được các hộ sản xuất tuyển chọn kỹ lưỡng trong danh mục cho phép, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Trong vườn na, các loại cỏ dại được cắt thủ công, hoàn toàn không dùng thuốc diệt cỏ.
“Sản xuất sạch nên trái na có chất lượng vượt trội, lại thu hoạch nghịch vụ nên giá bán thường khá cao, đạt bình quân 30.000 - 35.000 đồng/kg. Na chính vụ chỉ bán được với giá trên dưới 20.000 đồng/kg”, ông Nhất cho biết thêm.
Nhân rộng mô hình
Số liệu thống kê từ UBND xã An Sinh cho thấy, toàn xã hiện có gần 500 ha trồng na, hầu hết các hộ trồng na đều tích cực ứng dụng kỹ thuật để “ép” na ra quả nghịch vụ.
Mô hình trồng na sẽ tiếp tục được nhân rộng ở An Sinh (Ảnh TL). |
Với hiệu quả tạo ra, xã đang rất quan tâm đến việc trồng na của người dân. Cụ thể, trong thời gian qua, xã đã hỗ trợ các hộ xây dựng các mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Nhiều hộ được hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm (Nhà nước 50%, nhân dân 50% kinh phí). Nhờ có hệ thống tưới thuận lợi, người sản xuất tiết kiệm được sức lao động, cây trồng đủ nước nên có năng suất cao hơn.
Hiện, sản phẩm na An Sinh đã được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa… Thời gian tới, xã đặt mục tiêu kết nối doanh nghiệp để xuất khẩu na.
Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều hộ trồng na trên địa bàn xã An Sinh có thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình trồng na, đặc biệt là trồng na nghịch vụ, xã dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hộ mở rộng mô hình, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
Hưng Nguyên