Nếu như các năm trước đến thời điểm này thị trường đào, quất, hoa... đã gần hết hàng, người trồng hoa đã có thể yên tâm đón Tết thì năm nay mọi chuyện đều khác, ngay cả người đến xem cũng rất thưa thớt.
Sản lượng tiêu thụ thấp chưa từng thấy
Tại vùng trồng hoa cây cảnh của huyện An Dương (Hải Phòng), các nhà vườn thấp thỏm vì hai thị trường lớn là Hải Dương và Quảng Ninh bất ngờ xuất hiện ổ dịch COVID - 19. Ông Đỗ Văn Tám, thành viên HTX nông nghiệp dịch vụ Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) cho biết, mỗi dịp Tết đến, có những gốc đào của thành viên được bán hoặc cho thuê với giá vài chục triệu thậm chí cả trăm triệu đồng. Ngoài ra là bán buôn, bán lẻ cả cây hoặc cành.
Năm nay với 4 sào đất, ông Tám đầu tư trồng khoảng 120 gốc đào, trong đó 1/3 được các thương lái từ Quảng Ninh đến đặt hàng trước, chắc mẩm sẽ được vụ bội thu. Nhưng do dịch Covid-19 nên toàn bộ các đơn hàng bị hủy. Trước hoàn cảnh đó, gia đình ông chỉ trông chờ vào bán lẻ, tuy nhiên, dù giá đào đã giảm hơn một nửa so với năm ngoái nhưng vẫn không có người mua.
“Nhiều khách thuê cây to đặt cọc tiền nhưng không đến lấy. Có những cây đào thế to đẹp, nhiều hoa, giá trên 6 triệu đồng/cây nay giảm xuống 2,5 triệu đồng/cây cũng không có người mua. Những cây dáng nhỏ trị giá 1,5 triệu đến 2 triệu đồng, nay chỉ còn 300.000 - 600.000 đồng/cây”, ông Tám nói.
Tại Hải Dương, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hải Dương có khoảng 275 ha hoa đào phục vụ dịp Tết Tân Sửu. Diện tích hoa đào Tết tập trung chủ yếu ở các phường Hải Tân, Tân Hưng, Thạch Khôi và các xã Gia Xuyên, Liên Hồng... Tuy nhiên sau khi nghe tin tỉnh Hải Dương bị hạn chế đi lại do dịch Covid-19, nhiều thương lái đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc.
![]() |
Các nhà vườn cũng thấp thỏm vì hai thị trường lớn là Hải Dương và Quảng Ninh xuất hiện ổ dịch. |
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, một trong những vựa hoa lớn của cả nước, nhiều nhà vườn trồng hoa cũng đang như "ngồi trên đống lửa" khi cận Tết nhưng phần lớn diện tích hoa vẫn khó tiêu thụ.
Ông K Hùng (Trưởng thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, xã An Hiệp là vùng trọng điểm trồng hoa lay ơn với diện tích trên 100ha. Năm trước, 2 tuần giáp Tết là thời điểm các hộ tập trung thu hoạch, vận chuyển theo các đơn hàng đã ký sẵn. Nhưng năm nay, giá hoa giảm xuống dưới 1.500 đồng/bông, tính đến ngày 23 tháng Chạp, đầu ra mới chỉ đạt 40%.
"Đối với hoa lay ơn, mọi năm người dân phải bán 25-30 nghìn đồng/10 bông thì mới có lãi. Trong khi năm nay hoa đến kỳ thu hoạch rồi mà không được cắt bán thì sẽ hỏng, trong khi đó giá cước vận chuyển năm nay cũng tăng 20-40% nên khó khăn chồng chất khó khăn". Ông K Hùng cho biết
Chung tay “giải cứu”
Thực tế, không chỉ vùng trồng hoa ở các tỉnh, thành phố lân cận và vùng là tâm điểm của dịch Covid-19 mới bị ảnh hưởng tiêu thụ hoa Tết mà hầu hết các địa phương trên cả nước đều đang gặp tình trạng "hoa cười, người khóc" khi mà đào, quất, hoa cây cảnh ngập tràn nhưng người mua thưa thớt. Giá đào, quất, cây cảnh cũng xuống rất thấp so với mọi năm, điều này đang khiến người nông dân và các HTX trồng hoa trên cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nhận định của Hiệp hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các địa phương vùng dịch như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… đã có nhiều đơn hàng bị hủy hoặc giảm số lượng đặt hàng so với ban đầu. Điều này không chỉ diễn ra đối với các loại hoa bán sớm như địa lan, lan hồ điệp và hoa chậu mà ngay cả với các loại hoa, cây cảnh phục vụ trưng bày vào Tết Nguyên đán như đào, quất, mai... cũng gặp tình cảnh tương tự.
Trước khó khăn trên, mới đây Hiệp hội hoa Đà Lạt đã gửi văn bản đề xuất các tỉnh, thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... tạo điều kiện cho xe tải chở hoa vào các chợ trong nội đô thành phố lớn để tiêu thụ. Đặc biệt, Hiệp hội cũng thống kê và giới thiệu các nhà xe uy tín chuyên vận chuyển hoa đến tận các tỉnh, thành trên cả nước để người dân chủ động gửi hàng, tránh tập kết về một nơi, sau đó mới vận chuyển đi tiếp để tập trung giải quyết những khó khăn về đầu ra cho người dân, HTX trồng hoa, cây cảnh trong thời điểm Tết cận kề.
![]() |
Giải pháp của tỉnh Lâm Đồng là bình ổn giá cước vận tải, không tăng giá cước vận tải hoa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đẩy mạnh tiêu thụ, giải quyết khó khăn cho các HTX trồng hoa Tết. |
Trước đề xuất trên, để hỗ trợ người dân và các HTX trồng hoa, tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp bình ổn giá cước vận tải, đặc biệt không tăng giá cước vận tải hoa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu nhằm hỗ trợ người nông dân, HTX trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hoa Tết.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố cũng có quyết định hỗ trợ phương tiện chở hoa phục vụ Tết Tân Sửu 2021 từ ngày 6 đến hết ngày 11/2 (tức từ 25 tháng chạp đến hết 30 tháng chạp) trong các khoảng thời gian và lộ trình cụ thể đã được quy định.
Theo đại diện UBND TP. Hà Nội, việc phòng chống dịch COVID -19 không chỉ riêng cho thành phố mà còn giúp cho các tỉnh, thành phố khác ổn định sản xuất kinh doanh, đưa những sản phẩm, hàng hóa về tiêu thụ thuận lợi tại Hà Nội. Nhằm cụ thể hoá chủ trương này, UBND thành phố đã có công văn gửi Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố... hỗ trợ phương tiện chở hoa phục vụ Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.
Có thể thấy, năm nay thời tiết thuận lợi nên chất lượng hoa, đào, quất... trên cả nước cao hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đầu ra cho thị trường này bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, ngoài sự hỗ trợ của các ngành chức năng ở một số tỉnh thành, thì sự chung sức của người tiêu dùng để hỗ trợ "giải cứu" hoa và cây cảnh phục vụ Tết là điều vô cùng quan trọng, nhằm giúp người nông dân và các HTX trồng hoa bớt khó khăn.
Song song với đó là việc tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch 5k của cả người bán, người mua và người vận chuyển, điều này không chỉ giúp dịch bệnh sớm được khống chế mà còn giúp thị trường hoa Tết được bình ổn, giảm thiểu những thiệt hại cho người nông dân và các HTX trồng hoa trong cả nước.
Huyền Trang