Trái vú sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa HTX nông nghiệp và doanh nghiệp. |
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có 26.040 HTX, trong đó có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Các HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thúc đẩy liên kết dọc-ngang
Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu thập của người dân.
Đó cũng là nền tảng để đến tháng 10/2020, ngành trồng trọt xây dựng được 1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đi các thị trường. Đối với ngành thủy sản, đã có 8.903 tàu cá được quản lý thông qua giám sát hành trình, chiếm trên 29% tổng số tàu cá khai thác xa bờ. Trong ngành lâm sản, nâng tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 91%...
Một trong những trụ cột để hình thành chuỗi và nâng cao chất lượng nông sản phải kể đến việc các HTX nông nghiệp đã thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Bình Đào là đơn vị tiên phong của huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Từ mô hình 20 ha tích tụ ruộng đất trồng lúa ban đầu, đến nay, HTX mở rộng diện tích lên 85 ha, trong đó thuê đất của nhân dân là 20,5 ha, nhân dân góp đất liên kết sản xuất 64,5 ha.
Điều này không chỉ giúp HTX thuận lợi trong cơ giới hóa, luân canh xen vụ…, mà còn khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, giúp các thành viên có thể sử dụng chung các dịch vụ.
Đất đai của các thành viên vẫn được bảo đảm quyền sử dụng lâu dài. HTX không đứng ra quản lý đất của các hộ thành viên với tư cách đại diện cho hộ về sở hữu đất đai, mà chỉ phối hợp hoạt động canh tác theo một kế hoạch có lợi cho thành viên trong các khâu từ cung cấp đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Nhiều HTX khác trên cả nước cũng đang tham gia tích cực vào tổ chức “dồn điền, đổi thửa”, quy hoạch vùng sản xuất. Có những HTX nông nghiệp còn giúp chính quyền địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa theo hướng “liền vùng, cùng trà, khác chủ”. Ngoài hình thức tập trung ruộng đất thông qua HTX nông nghiệp để hình thành vùng sản xuất tập trung, nhiều HTX còn thuê lại đất của các hộ thành viên, nông dân. Qua đó, HTX tổ chức lại sản xuất, quản lý chặt chẽ đầu ra-đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao nguồn thu cho thành viên.
Sản xuất theo quy mô lớn cũng giúp HTX thống nhất được quy trình, từ đó sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, HTX là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, có nguồn gốc xuất xứ, các doanh nghiệp nông nghiệp cần liên kết với HTX. Nếu liên kết với từng hộ thì doanh nghiệp sẽ tốn nhiều chi phí, mất nhiều công sức, tính pháp lý, đồng thời tính giao dịch với từng hộ cũng không cao, gây nhiều rủi ro, trở ngại. Vì thế, doanh nghiệp rất muốn liên kết với các tổ chức nông dân, nhất là HTX nông nghiệp, vì HTX có tư cách pháp nhân nên tính pháp lý trong giao dịch với nông dân được đảm bảo hơn.
Điển hình như, mô hình sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX nông nghiệp Trinh Phú (Sóc Trăng) đã thu hút được sự liên kết của Công ty XNK trái cây VINA T&T. Để bảo đảm người dân-HTX-doanh nghiệp cùng có lợi, hai bên HTX và doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng. Công ty thu mua khoảng 200 tấn phục vụ xuất khẩu sang Mỹ, còn HTX phải bảo đảm vùng trồng được cấp mã số, quả được bao từ nhỏ để ngăn ruồi đục và đạt chuẩn về mẫu mã, kích cỡ mới được thu mua.
HTX Trinh Phú chính là đầu mối tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khi sẵn sàng cung cấp đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…). Đồng thời, HTX cũng chịu trách nhiệm quản lý, thu hồi công nợ hoàn trả lại doanh nghiệp. Nhờ đó, việc đầu tư của doanh nghiệp thuận lợi hơn.
Về quyền lợi của thành viên, HTX đại diện cho người dân giám sát việc tuân thủ hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết. Làm tốt vai trò này, doanh nghiệp và người nông dân rất tin tưởng vào HTX nông nghiệp khi ký kết hợp đồng liên kết thông qua HTX.
Tăng nội lực cho HTX
Trong bối cảnh hội nhập và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, vai trò của mô hình HTX nông nghiệp càng được thể hiện rõ, nhất là trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát huy những lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền và cả nước, gắn nhu cầu thị trường với xuất khẩu. Tiêu biểu như một số HTX rau, quả, trái cây ở Lâm Đồng và Sơn La…
Đặc biệt, trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã chú trọng hỗ trợ xây dựng các HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị tại 63 tỉnh, thành phố. Ðến nay, đã có 1.292 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhận định, mô hình HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị đang ngày càng được quan tâm, trở thành xu thế tổ chức sản xuất. “Tuy nhiên, nhìn thực tế cho thấy số lượng HTX sản xuất theo chuỗi vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do việc tổ chức sản xuất còn yếu, mối liên kết giữa HTX và các tác nhân trong chuỗi giá trị chưa bền vững”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nêu rõ.
Để HTX nông nghiệp tham gia mạnh hơn nữa vào liên kết chuỗi, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần nâng cao năng lực nội tại cho HTX. Một trong những điều quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ, thành viên HTX và những người liên quan.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, để nâng cao nguồn nhân lực cho HTX nông nghiệp, ngoài đào tạo bồi dưỡng, cần hỗ trợ thực hiện các chương trình khởi nghiệp hoặc có cơ chế tạo điều kiện thành lập đội ngũ tư vấn phát triển HTX nông nghiệp. Đội ngũ này sẽ hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng; kết nối liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm…
Trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp là đầu tàu của liên kết, vì thế muốn thúc đẩy HTX tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua HTX. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có quy định pháp lý rõ ràng hơn và có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay (Nghị định số 57/2017/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về tín dụng, Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp…) để thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết và trở thành thành viên của HTX. Từ đó tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết chuỗi hiệu quả giữa nông dân-HTX-doanh nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Huyền Trang