Huyện Đầm Hà có giống gà quý của địa phương, thịt thơm ngon. Gà bản có 3 loại: gà hoa mơ, gà râu và gà mũ, gà mái vừa có râu vừa có mũ, trong khi nhiều giống gà nổi tiếng khác chỉ có râu. Gà có tập tính ban ngày lang thang trên đồi, buổi trưa leo đậu trên cây như chim để tránh nắng, buổi tối nhiều con cũng leo lên cây ngủ, nên nhiều người còn gọi là "gà leo cây".
Chú trọng vệ sinh môi trường
Để bảo đảm chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường, HTX Tuyền Hiền lựa chọn chăn nuôi gà bản địa theo hướng bán hoang dã. Ban đầu, giống gà này rất hiếm, nên các thành viên phải đến nhiều xã để tìm mua gà giống. Nhằm bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này, nên ngoài nuôi gà thương phẩm, HTX quyết định lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo và đầu tư máy ấp nở trứng.
Theo các thành viên, nếu để gà phối giống và ấp nở tự nhiên thì tỷ lệ trứng có phôi sau đẻ chỉ đạt khoảng 60%, tỷ lệ gà nở sau ấp trứng không cao do trong quá trình ấp, gà mẹ dễ dẫm vỡ trứng hoặc đè chết con khiến quá trình chăn nuôi không có lãi.
Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ trứng có phôi đạt rất cao (khoảng 92-95%), số trứng ấp nở thành công đạt trên 80%. Phương pháp này giúp HTX giảm được số lượng gà trống cần nuôi, trong khi lại nâng cao được số lượng và chất lượng gà giống, nên thường bán được giá cao vượt trội.
"Gà leo cây" có chất lượng thịt cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Hiện, HTX không thực hiện nuôi tập trung mà mỗi thành viên sẽ xây dựng trang trại riêng nhưng phải bảo đảm nuôi từ 2.000 con để ổn định đầu ra theo hình thức cuốn chiếu.
Điểm thuận lợi của HTX là hoàn toàn chủ động nguồn giống chất lượng nên các thành viên chỉ cần tập trung đầu tư hệ thống chuồng trại cách xa khu dân cư nhằm hạn chế mùi hôi và tránh lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, ngoài diện tích chuồng có mái che, thành viên còn vây khuôn viên ngoài trời nhằm tạo không gian rộng lớn để gà vận động.
Để gà sinh trưởng tốt, các thành viên luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại theo định kỳ, bởi phân gà cùng các chất do gà thải ra thẩm thấu xuống nền tạo nơi trú ngụ lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng phát triển gây bệnh. Theo đó, cách 5 ngày, người nuôi lại xịt khử trùng sàn chuồng kết hợp đảo đệm lót sinh học.
Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm
Sau hơn 2 năm hoạt động, việc phát triển mô hình nuôi gà bản địa Đầm Hà theo hướng an toàn sinh học giúp các hộ dân là thành viên trong HTX có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng lên. Đây là cơ sở để HTX tiếp tục vận động người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân rộng mô hình đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã.
Hiện, HTX liên kết với 80 hộ dân trong xã phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX đứng ra bao tiêu tất cả số gà thương phẩm để người chăn nuôi yên tâm về đầu ra.
HTX Tuyền Hiền đang góp phần bảo tồn giống gà quý của địa phương. |
Năm qua, do dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều quán ăn, nhà hàng - mối tiêu thụ chính của HTX bị đóng cửa tạm thời, nhưng HTX cũng xuất bán được 150.000 con gà giống, 60 tấn gà thương phẩm. Trước đó, con số này khả quan hơn, như năm 2019, gà thương phẩm được xuất bán khoảng 200 tấn. Gà được xuất bán vượt xa địa bàn huyện, tiêu thụ chủ yếu tại TP Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội…
Theo đánh giá của UBND huyện, mô hình nuôi gà của HTX Tuyền Huyền trở thành nền tảng liên kết giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế cho người nuôi mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì quá trình nuôi, gà ít mắc dịch bệnh hơn, việc xử lý chất thải thải của gà được dễ dàng hơn. Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm sinh học và tận dụng phụ phẩm còn góp phần làm môi trường trong lành hơn.
Như Yến