Chưa khi nào câu chuyện liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị, giúp các làng nghề, HTX yên tâm sản xuất lại được các bộ, ngành quan tâm như hiện nay.
Mở ra cơ hội từ xúc tiến thương mại
Nếu trước kia, những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương được sản xuất theo phương thức truyền thống thì khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm truyền thống sẽ được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng, được mang thương hiệu cụ thể như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), miến dong của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn); các sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình)… Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Một trong những minh chứng điển hình cho hiệu quả của chương trình OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) là miến dong của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn), đã có bước phát triển vượt bậc về công tác thâm nhập thị trường trong và ngoài nước.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sẽ giúp các sản phẩm OCOP từng bước tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. |
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, với mong muốn đưa cơ sở ngày càng vươn lên chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu có chất lượng đáp ứng yêu cầu của các thị trường "khó tính", HTX đã mạnh dạn sản xuất miến quy mô lớn bằng máy móc.
Nhờ vậy, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng, các kênh bán hàng online, siêu thị Hapro ở Hà Nội và đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, HTX Tài Hoan có hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Không chỉ góp phần tạo nên uy tín cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn, HTX còn tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 15 - 20 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ chất lượng sản phẩm, uy tín sản xuất, HTX Tài Hoan là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn xuất khẩu mặt hàng miến dong sang Cộng hòa Séc. Ðến tháng 8/2020, HTX đã xuất khẩu đợt một 5,3 tấn miến dong sang thị trường Séc với tổng giá trị đơn hàng gần 15.000 USD. Từ đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư để hoàn thiện nâng công suất chế biến lên từ 1 - 2 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, số sản phẩm OCOP của các làng nghề, HTX tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là xuất khẩu sang nước ngoài như HTX Tài Hoan là chưa nhiều.
Làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín vốn nổi tiếng với nghề truyền thống làm sơn mài, các sản phẩm sơn mài của làng nghề có nhiều cơ hội phát triển hơn. Thế nhưng, với những hạn chế trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, việc mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh đối với sơn mài Hạ Thái dường như là một “bài toán” quá khó.
Tương tự như vậy, sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng gặp nhiều gian nan trong khâu quảng bá, giới thiệu. Các sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác hiện đại, phù hợp nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, các thành viên làng nghề chủ yếu bán hàng qua mạng và lập nhóm bán hàng qua mạng để tăng cường thông tin, giúp khách có nhiều lựa chọn hơn thay vì làm việc một cách riêng lẻ. Hiện, sản phẩm của làng nghề không có nhiều đơn hàng xuất khẩu mới, rất cần tìm kiếm thị trường để ổn định sản xuất…
Nhiều làng nghề muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bởi nhân lực hạn chế, bản thân các làng nghề chỉ biết làm ra những gì mình có theo kiểu “duy trì nghề truyền thống”, không có sự thay đổi nhiều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thiếu chủ động tìm kiếm thị trường, mà chỉ “chờ ở nhà” để các tư thương đến thu mua.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm OCOP khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; quy chuẩn hợp quy, mẫu mã sản phẩm… còn hạn chế. Bởi thế, trước hết, muốn sản phẩm được các doanh nghiệp, nhà bán lẻ và nhất là người tiêu dùng chấp nhận, bản thân các chủ thể là doanh nghiệp, làng nghề, HTX phải chủ động nâng cao chất lượng, cải tiễn mẫu mã thích ứng với nhu cầu của thị hiếu.
Bên cạnh đó, các địa phương, các cấp, ngành phải vào cuộc hỗ trợ các khâu, công đoạn như: công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nắm bắt cơ hội đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Cần nhiều chính sách cho phát triển
Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, dù các sản phẩm OCOP có sự cải tiến rõ ràng về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm nhưng chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế nên đầu ra cho các sản phẩm này vẫn còn bấp bênh và gặp nhiều trở ngại, nhất là so với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
Các sản phẩm OCOP có nhãn mác bao bì đẹp luôn thu hút người tiêu dùng quan tâm. |
Trong triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên có tất cả 6 bước, trong đó bước thứ 6 “xúc tiến thương mại” được xem là bước cuối cùng nhưng quan trọng nhất, sản phẩm OCOP sản xuất ra phải tiêu thụ được.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, khâu quảng bá đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng thị trường sản phẩm OCOP, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm. Thế nhưng, đây cũng là một trong những khâu yếu trong lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP ở các HTX.
“Nếu các sản phẩm OCOP chú trọng mạnh mẽ khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là triển khai các đợt quảng bá có trọng tâm, trọng điểm, cùng với bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý, thì không lý do gì khách hàng từ chối sử dụng”, ông Thịnh khẳng định.
Để tích cực hỗ trợ các HTX, các làng nghề có sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, Liên minh HTX Việt Nam đã và đang tích cực đi đầu trong việc khuyến khích và tạo điều kiện cho HTX tham gia các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp như các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước thông qua hội chợ vùng, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngay tại Việt Nam như hội nghị quốc tế ngành hàng, tổ chức đón các nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng để các HTX có thể tham gia, tiếp cận khách hàng tiềm năng với chi phí thấp.
Để gỡ khó cho các sản phẩm OCOP, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua/bán sản phẩm.
Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua/bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh… Bên cạnh đó, bản thân mỗi chủ thể của sản phẩm OCOP phải không ngừng nâng cao chất lượng, sản xuất an toàn, cải tiến mẫu mã sản phẩm để người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực. Có như vậy, việc kết nối kênh phân phối và người sản xuất, các sản phẩm OCOP mới được giới thiệu đến với đông đảo người tiêu dùng một cách bền vững.
“Đây chính là cơ hội giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đồng thời thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương, tạo chuỗi liên kết bền vững giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn”, bà Hậu nói.
Phạm Duy