Dù đạt được nhiều thành công trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, dược liệu dưới tán rừng và trồng rừng, nhưng các thành viên HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu) vẫn còn trăn trở vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Điều này khiến các thành viên và hộ dân liên kết chưa yên tâm khai thác, bảo vệ và trồng mới các cây dược liệu dưới tán rừng.
Nút thắt trong cấp sổ đỏ
Hay như tại HTX lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên (Phú Yên), dù đã liên kết với doanh nghiệp trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC nhưng không ít thành viên vẫn đau đáu một nỗi lo: chưa được cấp “sổ đỏ” cho diện tích rừng sản xuất. Do đó, nhiều hộ không có tài sản hợp pháp để thế chấp ngân hàng, nên vòng luẩn quẩn về thiếu vốn phát triển sản xuất vẫn chưa được tháo gỡ.
Có thể thấy, việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đang là một trong những khó khăn của các HTX hiện nay. Hệ lụy của việc này không chỉ là gây khó khăn cho thành viên, người dân trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất, mà còn làm nảy sinh các vụ tranh chấp đất đai, người dân không yên tâm gắn bó với rừng. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Theo các chuyên gia, nhiều người dân, thành viên HTX hiện nay không có giấy tờ theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Nguyên nhân do trong quá trình sử dụng đất, người sử dụng đất đã chuyển nhượng qua nhiều người, việc thiết lập giấy tờ của người dân không đầy đủ nên khó chứng minh thời điểm sử dụng đất ổn định theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, từ đó gây khó khăn trong quá trình thẩm tra của các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc hiểu chưa đúng về pháp lý tại các địa phương cũng là nguyên nhân gây cản trở. Chẳng hạn như nhiều địa phương vẫn cho rằng hộ dân, thành viên HTX đang quản lý bảo vệ rừng nhưng không hoặc chưa có hộ khẩu thường trú tại xã có rừng và đất rừng thì không được giao rừng và đất rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Đất đai 2013.
Nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho HTX được đẩy mạnh, việc sản xuất, quản lý và bảo vệ rừng sẽ hiệu quả hơn. |
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên Xuân (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), quy định tại điều 135, 136 của Luật Đất đai đối với đất trồng rừng hiện không bắt buộc người có hộ khẩu thường trú tại xã (người ngoài xã) nơi có đất mới được giao đất rừng sản xuất. Nếu buộc có hộ khẩu thường trú mới được giao đất rừng sản xuất là cách hiểu chưa thông suốt.
Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ trong một số văn bản pháp luật dẫn đến quá trình áp dụng vào thực tiễn tại các địa phương chưa có sự nhất quán và hiệu quả.
Cụ thể là tại khoản 1, Điều 135, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Nhưng theo các HTX, “tổ chức quản lý rừng” là gì và là những tổ chức nào thì chưa được Luật quy định và giải thích rõ ràng. Trong khi, tại Điều 16 Luật Lâm nghiệp lại quy định, Nhà nước chỉ giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Điều này có nghĩa HTX không thuộc đơn vị được Nhà nước giao rừng sản xuất tự nhiên nên gây khó khăn trong khi làm thủ tục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các đơn vị chức năng tại địa phương… Trong khi, người dân, thành viên HTX lâm nghiệp thường là đồng bào dân tộc thiểu số hay di cư tự phát, thiếu các giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân nên không thể đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp.
Để rừng có chủ thực sự
Phải khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp mà còn giúp hộ gia đình, thành viên HTX yên tâm sử dụng đất, đồng thời có “tài sản” để thế chấp vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.
Đặc biệt hiện nay, đất lâm nghiệp tại nhiều địa phương được giao cho các đơn vị quản lý là đất công. Do đó, có sổ đỏ sẽ giúp bảo vệ nghiêm ngặt, tránh bị tranh chấp và lấn chiếm. Thời gian gần đây, giá đất tại nhiều địa phương tăng rất cao nên việc quản lý đất công ngày càng khó khăn, nếu không cắm mốc, cấp sổ đỏ rõ ràng thì việc lấn chiếm, vi phạm trong quá trình sử dụng sẽ xảy ra.
Theo Bộ TN&MT, Việt Nam có 3/4 lãnh thổ là đồi núi, đất lâm nghiệp chiếm 75% trong tổng số 26 triệu ha đất nông lâm nghiệp. Đây cũng là nơi cư trú, tạo sinh kế cho hơn 25 triệu người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo.
Mặc dù Nhà nước và các địa phương hằng năm đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân trong việc giao rừng, phát triển rừng nhưng do việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, từ đó đòi hỏi phải có những sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với đặc thù sản xuất lâm nghiệp của từng vùng trong thời kỳ mới. Trong đó cần đề cao vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức hiện đang phụ trách công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cả Trung ương và địa phương để bảo đảm quyền lợi cho người dân, HTX trong việc thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ trong sản xuất, quản lý, chăm sóc rừng. Tránh tình trạng triển khai không thống nhất, hiểu sai chính sách của Nhà nước, gây khó khăn cho người dân, HTX.
Các địa phương cũng cần bố trí nguồn vốn phù hợp để thực hiện đo đạc, cắm mốc, thực địa lại diện tích rừng và lập bản đồ địa chính, tránh tình trạng “đá bóng” trách nhiệm của địa phương cho các HTX, người dân, từ đó gây chậm quá trình làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
TS Nguyễn Hữu Nguyên Xuân cho rằng, muốn cho rừng có chủ thực sự, các địa phương có thể giảm thời gian thực hiện, đơn giản hoá hồ sơ liên quan đến giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp bằng các thủ tục trực tuyến, các giấy tờ liên quan được chuyển về cơ quan giải quyết và trả kết quả thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh... để người dân hạn chế phải đi lại.
Bên cạnh đó, nếu quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gặp khó hoặc chậm do yếu tố khách quan, các địa phương có thể xem xét đến việc cấp sổ lâm bạ để người dân, HTX giải quyết những thủ tục cấp thiết.
Các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là việc chỉnh lý những hồ sơ đã được duyệt nhưng còn sai sót. “Thời gian tới, nếu có được chính sách đồng bộ, quy định hưởng lợi rõ ràng, phục vụ cho việc giao đất, giao rừng, quy định về năng lực quản lý, sản xuất của chủ rừng thì bảo vệ, phát triển kinh tế rừng mới thực sự bền vững”, TS Nguyễn Hữu Nguyên Xuân đánh giá.
Quan trọng hơn cả, người dân - chủ thể sử dụng đất lâm nghiệp, cần nhận thức được giá trị của việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, từ đó tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để sớm được cấp loại giấy tờ này.
Huyền Trang