Có thể thấy, nhờ được rèn luyện trong môi trường HTX kiểu mới, được đào tạo, được áp dụng quy trình sản xuất khoa học đã giúp tư duy của người nông dân thay đổi. Từ đó khẳng định người nông dân, thành viên có vai trò quan trọng trong phát triển HTX, và liên kết sản xuất thông qua mô hình HTX sẽ tạo nên sức mạnh giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững..
Làm những điều tưởng như không thể
Đã có nhiều dự án về sản xuất nông nghiệp bền vững, hữu cơ… thay vì sử dụng cán bộ khuyến nông làm giảng viên, đã tuyển chọn những nông dân, thành viên HTX để đào tạo nâng cao năng lực trở thành những tập huấn viên, thanh tra viên.
Sau khi được tập huấn, họ trở về địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân, thành viên HTX thúc đẩy phong trào sản xuất an toàn của địa phương thông qua hình thức liên kết hợp tác.
Tuy nhiên, theo phản ánh, lúc đầu, có những bình luận không mấy tích cực về năng lực, trình độ của những người nông dân, thành viên HTX này. Nhiều người, trong đó có không ít cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn tin rằng nông dân, thành viên HTX khó trở thành tập huấn viên, thanh tra viên thực thụ.
Và thực tế cũng đã chứng minh, bằng sự tin tưởng vào kiến thức được đào tạo, chính những người nông dân, thành viên HTX đó đã ngày càng trưởng thành và tự tin trong công việc của mình.
Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội), nơi đã có những thành viên, nông dân được trải qua các lớp đào tạo về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ để sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, cho rằng người nông dân, thành viên HTX có thể không chuyên nghiệp như những thanh tra viên thực thụ, có bằng cấp và được trả lương. Nhưng có một điều đó là những thanh tra viên chuyên nghiệp có khi lại chưa chắc đã quan tâm đến việc sản phẩm có bán được hay không, hàng ngày quy trình sản xuất diễn ra như thế nào.
Nhưng với nông dân và thành viên HTX thì đó còn là câu chuyện liên quan đến sinh kế. Họ phải ứng xử từng ngày, từng giờ trong sản xuất, giám sát nhau tuân thủ tiêu chuẩn và quy định theo sự phân công có sự quan sát của các bên liên quan.
Không ít người dân, thành viên HTX đã thay đổi tư duy và chuyên nghiệp trong sản xuất. |
Vì lẽ đó, chính họ đã chuyên nghiệp lên từng ngày và giúp hình thành, phát triển những mô hình HTX sản xuất an toàn, hữu cơ, ogarnic… có tiếng trên thị trường. Cũng có những thành viên, lãnh đạo HTX tuy xuất phát điểm thấp nhưng nhờ nghiêm túc học hỏi, kiên trì tìm tòi mà đã có những nghiên cứu, ứng dụng "để đời", từ đó hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết những người nông dân, thành viên HTX là minh chứng cho sự chuyển đổi trong nhận thức vô cùng khó khăn để làm ra nguồn hàng hóa, nông sản an toàn, lành mạnh cho thị trường. Những giá trị này không thể đong đếm được bằng tiền.
“Họ tuy là nông dân nhưng có những điều, những kinh nghiệm sản xuất mà cả những cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản còn phải ‘gật gù’. Và chính họ cũng đã làm được những điều tưởng là không thể, cho dù đâu đó có người dè bỉu, không tin họ làm nổi”, bà Nhung chia sẻ.
Cần khuyến khích người dân, thành viên HTX
Theo các chuyên gia, muốn ngành nông nghiệp phát triển bền vững, liên kết sản xuất theo mô hình HTX là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Đặc biệt, đứng trước áp lực và yêu cầu của thị trường, đòi hỏi người dân, thành viên HTX phải thay đổi tư duy, làm ăn chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để người dân, thành viên HTX chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp thì cần một quá trình nhất định. Bởi muốn làm việc thành công, đi đến đích hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực của chính các thành viên HTX, sự xử lý nghiêm khi vi phạm của cơ quan quản lý thì rất cần sự đồng hành, khuyến khích, tạo cơ hội cho họ vươn lên.
Bởi thực tế, có không ít người dân, cán bộ lãnh đạo các cấp vẫn coi thường những nỗ lực của những người nông dân, thành viên HTX. Họ nhìn mô hình HTX bằng góc nhìn tiêu cực và thiển cận.
Thay vào đó, cần nhìn vào những điểm tích cực để giúp HTX lựa chọn được hướng hoạt động phù hợp. Trong đó, cần quan tâm đến lợi thế của địa phương và điểm nghẽn của ngành nghề đó mà HTX ở địa phương đang gặp phải.
Chẳng hạn như HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, trái cây… tuy đã sản xuất tập trung liên kết và cho sản lượng tốt nhưng đầu ra của những nông sản này vẫn có vấn đề. Vì vậy, cần phải tập trung vào những khó khăn mà nông dân, HTX đang gặp phải để có hướng tháo gỡ phù hợp. Khi giải quyết được điểm nghẽn thì đó sẽ là yếu tố đầu tiên để cho người dân, các thành viên tin theo HTX, đồng thời từng bước giúp HTX chuyên nghiệp hơn.
Huyền Trang