Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) chính quyền và nhân dân xã Hát Lừu gặp không ít khó khăn vì đặc điểm dân số có 99% là dân tộc Thái, dân số đông với 4.000 nhân khẩu và nằm rải rác.
Vượt lên khó khăn
Bên cạnh đó, không ít khó khăn trong việc thực hiện một số tiêu chí bởi cần thời gian, nguồn lực, vốn như: quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu trong phát triển nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% và phải có 70% tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch…
Nhưng bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là tập trung vận động nhân dân hưởng ứng cùng chung tay tham gia xây dựng NTM đã tạo ra sự đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã Hát Lừu.
Theo đó, xã đã tích cực quy hoạch đất, quy hoạch phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, khu dân cư đi đôi với công khai đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM tới toàn thể nhân dân để mọi người nắm được chủ trương chính sách.
Đến cuối năm 2019, xã huy động được tổng vốn trên 159.400,00 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 73,96%, vốn tín dụng chiếm 15,32%, nhân dân đóng góp 10,72%. Từ nguồn vốn huy động được, xã đã đầu tư xây dựng đường giao thông, làm công trình thủy lợi, nhà văn hóa, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân, nâng cấp và xây mới trường học...
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Đảng bộ, chính quyền xã Hát Lừu còn chú trọng phát triển sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung. Xã đã lựa chọn được những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và năng suất cao đưa vào phát triển sản xuất, phát huy được lợi thể của địa phương như: lúa tẻ đỏ và lúa nếp 87; chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp; nuôi gà đen, lợn mán, sản xuất lâm nghiệp, trồng và chế biến sả… Đồng thời, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.
Mô hình tiêu biểu phải nhắc đến là mô hình sản xuất của HTX Hương Chanh. Nhận thấy việc trồng sả lấy tinh dầu phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát huy tiềm lực về đất đai, lao động trên địa bàn, Cuối năm 2018, HTX Hương Chanh đã liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng sả lấy tinh dầu trên vùng đất trồng ngô, lúa nương cho năng suất thấp. HTX đứng ra cung cấp giống cho người dân.
Trung bình mỗi ha, HTX hỗ trợ khoảng 800-1.000kg giống, người dân có đất và bỏ công trồng, chăm sóc, thu hoạch còn HTX sẽ thu mua toàn bộ nguyên liệu cho bà con.
Khu vực chế biến tinh dầu sả của HTX Hương Chanh |
Ngoài nguồn vốn của thành viên, HTX còn được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ hệ thống nồi đun hấp tinh dầu xả, hệ thống ngưng tụ (bình lạnh và bình tách dầu), phân bón vi sinh phục vụ cho vùng nguyên liệu.
Tới nay, mô hình liên kết trồng và sản xuất tinh dầu sả của HTX đã thu được kết quả khả quan. HTX thu mua nguyên liệu cho bà con với giá 1.500 đồng/kg tươi, 4.500 đồng/kg khô. Tỷ lệ tinh dầu đạt 16 kg/tấn lá khô với giá bán tinh dầu dao động 400-500 ngàn đồng/kg.
Không chỉ cung cấp ở thị trường trong nước, HTX còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định lâu dài với đối tác Trung Quốc trong vòng 10 năm.
Thúc đẩy kinh tế xã hội
Mô hình sản xuất của HTX Hương Chanh đã giúp hàng trăm hộ gia đình có việc làm và nâng cao thu nhập từ việc trồng sả theo hướng hàng hóa.
Bà Bùi Thị Chiu, người dân địa phương, chia sẻ cây sả không yêu cầu cao về kỹ thuật chăm sóc, trồng lứa đầu tiên sau 6 tháng là được thu hoạch và duy trì gốc thu hoạch 2 vụ/năm, 3 năm sau mới phải trồng lại. Bình quân 1 ha cho thu hoạch 20 tấn củ, 10 tấn lá/vụ, trừ chi phí mang lại thu nhập 70 - 80 triệu đồng/ha.
Việc bán nguyên liệu cho HTX đã giúp người dân có thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, ngô nên đến nay, người dân đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sả, nâng tổng diện tích lên 20ha. Đây cũng là cây trồng mũi nhọn tại địa phương.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc phát triển diện tích, nâng cao năng suất và giá trị thu nhập từ trồng và chế biến tinh dầu sả của HTX Hương Chanh thực sự là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân ở Hát Lừu giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,5%, số hộ gia đình văn hóa đạt 82%. Nhiều hộ có thu nhập 80-100 triệu đồng/năm.
Người dân tham gia làm sạch các các tuyến đường giao thông |
Nhận thấy vai trò và hiệu quả của việc liên kết sản xuất, đến nay xã đã xây dựng được 11 tổ hợp tác, 2 HTX hoạt động hiệu quả là HTX Hương Chanh và HTX nông lâm nghiệp Nặm Lừu. Hai HTX trên đều phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao kinh tế địa phương cũng như xây dựng thành công NTM.
Từng là 1 xã nghèo, NTM đã mang đến một diện mạo mới cho địa phương và niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống ngày một được nâng lên cả về vật chất, tinh thần.
Việc hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hát Lừu cố gắng xây dựng trong suốt thời gian qua. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của mô hình tổ hợp tác, HTX. Những thành quả này sẽ là cú hích để địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng bền vững.
Huyền Trang