HTX Bản Mé góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc xây dựng thành công chuỗi giá trị bền vững (Ảnh:TL) |
Theo quy định phân loại huyện nghèo, Điện Biên có 7 huyện nghèo trong đó có 5 huyện nghèo 30a. Toàn tỉnh có 103 xã, phường, thị trấn thuộc diện đầu tư 135 của chính phủ.
Thời điểm triển khai chương trình 30a (năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 48,14%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,135%. Đời sống của người dân ở các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông hết sức khó khăn. Không ít bản làng xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội…
Giảm thiểu tỷ lệ nghèo, cận nghèo
Tuy nhiên, sau thời gian đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Điện Biên đến năm 2019 giảm xuống còn 33,97%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm 4,57% so với năm 2018, tỷ lệ hộ cận nghèo duy trì còn 7,61% (giảm 2,17% so với năm 2018.)
Ðể có được sự đổi thay trên, tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Song song với đó là việc khuyến khích, động viên hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tham gia phát triển kinh tế xã hội. Ðiển hình, một số hộ nghèo tại huyện Nậm Pồ đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ cho các hộ có điều kiện khó khăn hơn.
Công tác chỉ đạo, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cũng được thực hiện nghiêm túc làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và nắm bắt nguyên nhân và nguyện vọng của từng hộ, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây-con.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc là và nâng cao thu nhập cho không ít hộ gia đình. Tiêu biểu như mô hình sản xuất của HTX rau củ quả an toàn xã Thanh Đông (huyện Điện Biên), HTX thủy sản Thanh Chăn (huyện Điện Biên), HTX chăn nuôi Mường Mùn (huyện Tuần Giáo)…
Trong số đó, không thể không nhắc đến HTX Hoa Ba (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên). Hoạt động trong lĩnh vực xây lắp công trình và kinh doanh vật liệu xây dựng, HTX Hoa Ba đã tích cực liên kết với các cấp ngành, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô. Từ đó HTX nhận thầu nhiều công trình trên phạm vi toàn tỉnh và mở rộng sang các tỉnh lân cận.
Doanh thu trung bình 1 năm của HTX khoảng 6 -7 tỷ đồng. HTX đang thuê hơn 10 lao động thường xuyên, tiền công 5-8 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thi công, HTX còn tạo việc làm cho khoảng 100 lao động thời vụ, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Tạo điều kiện phát triển HTX
Có thể thấy, các mô hình HTX đang dần đi vào cuộc sống của người dân vùng khó khăn ở Điện Biên và trở thành một giải pháp thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Mô hình HTX đã tạo sinh kế, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Như tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé (huyện Điện Biên) đã chú trọng trồng lúa, rau màu, chăn nuôi theo hướng VietGAP. HTX cũng được các cấp hỗ trợ đầu tư máy sấy, tủ bảo ôn… phục vụ chế biến nông sản đồng thời đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để hoàn thành chuỗi giá trị lúa gạo.
Điện Biên đang tích cực hỗ trợ các HTX sản xuất theo hướng hàng hóa để làm lực đẩy trong công tác giảm nghèo bền vững (Ảnh:TL) |
Khi tham gia HTX Bản Mé, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân tăng lên ít nhất 20% so với sản xuất theo lối truyền thống, trong khi đầu vào và đầu ra đều được HTX hỗ trợ. HTX Bản Mé đang trở thành mô hình kinh tế góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Điện Biên.
Theo lãnh đạo tỉnh, Điện Biên là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là phát triển sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền tỉnh sau nhiều năm đau đầu tìm giải pháp đã nhận ra rằng chỉ có liên kết người dân sản xuất theo hướng hàng hóa mới thúc đẩy kinh tế xã hội. Muốn làm được điều đó, chỉ có chú trọng phát triển các HTX.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã tạo điều kiện để hỗ trợ các HTX như hỗ trợ cây, con giống cho các HTX ở huyện Mường Nhé, hỗ trợ một số HTX chăn nuôi kinh phí mua thêm giống cây để kết hợp chăn nuôi với phát triển lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, cơ chế ưu đãi để các HTX có thể phát triển bền vững, chung tay cùng địa phương trong công tác giảm nghèo.
Huyền Trang