Nhờ ứng dụng mô hình VietGap vào chăn nuôi trâu, bò… đã giúp cho nhiều HTX “ăn nên làm ra” (Ảnh: TL) |
Thời gian gần đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An xác định để các HTX chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, đòi hỏi các HTX phải thay đổi tư duy và tăng cường áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại vào chăn nuôi.
Ứng dụng mô hình VietGap vào chăn nuôi
Ông Nguyễn Hữu Hường - Giám đốc HTX nông nghiệp Lèn Voi xã Tân Phú, cho biết, HTX thành lập cuối tháng 5/2018, tập trung chăn nuôi bò vỗ béo bằng giống bò nhập ngoại. Ngay sau khi thành lập HTX, các thành viên có 60 con bò vàng địa phương, nhưng đến nay tất cả các thành viên đã chuyển sang đầu tư nuôi bò Úc có trọng lượng lớn.
Từ khi sản phẩm bò vỗ béo HTX được công nhận VietGAP (cuối năm 2018), các thành viên trong HTX có nhiều thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chăn nuôi.
Hiện, HTX đã có doanh nghiệp giết mổ gia súc ở Hà Nội liên kết cung ứng, bao tiêu sản phẩm bò thịt. Theo ông Hường, cái lợi lớn nhất khi tham gia mô hình là hộ nông dân được hướng dẫn chi tiết từ khâu thiết kế chuồng trại đến lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, HTX còn bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, trực tiếp liên kết với các công ty chuyên giết mổ gia súc ở các thành phố lớn, từ đó bò đến kỳ xuất chuồng là có doanh nghiệp đến thu mua.
"Việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi đại gia súc theo quy trình VietGAP bước đầu hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, theo hướng hàng hóa, sạch, đảm bảo môi trường." ông Hường nói.
Thực tế, nhiều địa phương ở Nghệ An đã triển khai mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP và đã gặt hái được những thành công nhất định mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới mang tính liên kết. Điển hình tại huyện Tân Kỳ nhờ ứng dụng mô hình VietGap vào chăn nuôi trâu, bò… đã giúp cho nhiều HTX “ăn nên làm ra”.
Theo ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Kỳ cho rằng, thành công nhất là trên địa bàn huyện đã xây dựng được 3 mô hình HTX chăn nuôi bò theo quy trình VietGAP: HTX chăn nuôi Nghĩa Thái, HTX nông nghiệp Lèn Voi - Tân Phú và HTX chăn nuôi Nghĩa Đồng, với 17 hộ xã viên tham gia sản xuất. Hiện các HTX này đang hoạt động tốt, tạo niềm tin cho các thành viên.
Thức ăn cho các trang trại bò được "nấu" bằng cách ủ men vi sinh từ các loại cây ngô và cỏ voi (Ảnh: TL) |
Phát triển chuỗi liên kết
Theo ông Trung, hình thức liên kết này giúp các HTX, Tổ hợp tác, các chủ hộ sản xuất liên kết các công ty, cá nhân để cung ứng giống, thức ăn tinh theo hợp đồng và ký kết bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm làm ra không lo bị "ế", đời sống của người dân được đảm bảo.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho biết, huyện đã đề ra 7 nhóm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ khuyến khích.
Ngoài ra, huyện quy hoạch, bố trí diện tích đất phù hợp cho phát triển chăn nuôi ở địa phương. Thực hiện chính sách khuyến khích dồn điền đổi thửa để có đất xây dựng trang trại chăn nuôi. Giải pháp về tổ chức và quản lý sản xuất và đào tạo...
Dự kiến trong năm nay, Tân Kỳ sẽ thành lập 10 Tổ hợp tác hoặc HTX chăn nuôi được chứng nhận VietGAP theo hướng liên kết. Đồng thời Tân Kỳ quy hoạch lại một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, thu hút kêu gọi đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung tại xã đã quy hoạch. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong việc cải tạo, lai tạo giống trâu bò, đẩy mạnh phát triển đàn dê nhằm đảm bảo thương hiệu dê Tân Kỳ.
Theo đánh của các chuyên gia ngành chăn nuôi, mặc dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do một số địa phương sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung.
Cùng với đó, chi phí áp dụng các mô hình tiên tiến cao, trình độ của nông dân còn hạn chế. Đặc biệt, việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, bên cạnh những chính sách của Nhà nước,việc các địa phương chủ động đưa ra các giải pháp riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, khí hậu...của địa phương để kết hợp và phát triển ngành chăn nuôi chuẩn VietGAP sẽ là cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp của các địa phương phát triển bền vững.
Xuân Hoàng