Bình Gia là một huyện vùng cao của tỉnh Lạng Sơn với hơn 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Dù xuất phát điểm thấp nhưng đây lại là một trong những điểm sáng của tỉnh Lạng Sơn trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tính đến hết năm 2019, trung bình mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 11,26 tiêu chí, tăng 1,73 tiêu chí/xã so với năm 2018; toàn huyện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (dự kiến hết năm 2020, toàn huyện sẽ có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM). Bình Gia còn là một trong những huyện có nhiều xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo chia sẻ của ông Bùi Hoàng Nam - Chủ tịch UBND huyện Bình Gia, trong thời gian qua huyện tập trung phần lớn nguồn lực thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 (chương trình số 22).
Chương trình tập trung hỗ trợ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hỗ trợ giống, vật tư, xây dựng tem nhãn, xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, công tác tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân...
Từ những sự hỗ trợ cụ thể và thiết thực này, hình thức sản xuất trên địa bàn huyện từng bước được thay đổi, nhiều mô hình sản xuất phát huy được tiềm năng, thế mạnh của cơ sở, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
![]() |
Bình Gia là một trong những điểm sáng của tỉnh Lạng Sơn trong xây dựng nông thôn mới. |
Điển hình là mô hình nuôi trâu, bò tại xã Hồng Thái, trước đây, đàn trâu, bò trên địa bàn xã thường chăn thả tự nhiên khó quản lý, nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế lại không cao.
Nhận thấy những hạn chế đó, năm 2015, sau khi tìm hiểu thực tiễn ở một số nơi, anh Lương Hoàng Thức (thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái) đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Đến nay mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.Thấy hiệu quả, hiện nay đã có 40 hộ dân khác ở xã Hồng Thái chuyển sang mô hình này.
Hay như chia sẻ của ông Lê Tiến Lâm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè dưới tán hồi, thay vì sản xuất chè theo kiểu tự nhiên như trước, khoảng 3 năm trở lại đây, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, HTX đã tập trung sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 35 ha.
Sản xuất theo quy trình VietGAP nên năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, sản phẩm chè khô của HTX có giá 200.000 đồng/kg, cao hơn 25 đến 35% so với sản xuất chè thông thường trước đây.
Đáng chú ý, sản phẩm chè dưới tán hồi của HTX được trao chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, tạo tiền đề để mở rộng diện tích cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Vai trò của HTX trong xây dựng NTM
Ngoài HTX Chè dưới tán hồi toàn huyện còn có các HTX phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá như: HTX chăn nuôi lợn nái tại xã Tô Hiệu; HTX chăn nuôi Bò sinh sản tại xã Vĩnh Yên; Trang trại nông lâm nghiệp tổng hợp của HTX Phượng Hoàng - xã Hoa Thám...
Các HTX phát triển nông, lâm nghiệp này là bước đầu để xây dựng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình số 22, trên địa bàn huyện Bình Gia còn những mô hình phát triển sản xuất, những sản phẩm chủ lực phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
![]() |
Nhiều mô hình trồng trọt trên địa bàn huyện Bình Gia đạt hiệu quả cao nhờ chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |
Giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn huyện đã có thêm hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả, toàn huyện đã trồng mới trên 5.000 ha rừng sản xuất và 377 ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như vùng cây hồi, quế, mỡ, keo, bạch đàn, sở, quýt…
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, mở rộng thị trường nên không chỉ tăng về diện tích mà chất lượng sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn huyện Bình Gia cũng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện mới đạt 17,6 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019, thu nhập bình quân tăng lên 32,5 triệu đồng/người/năm.
Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Từ những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Bình Gia xác định, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sự chung sức đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn hướng tới các mô hình NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Minh Khuê