Mới đây, SaigonCoop, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam đã có buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam để bàn cách thử nghiệm mô hình bao tiêu nông sản, giúp ổn định đầu ra cho các HTX.
Xu hướng tất yếu
SaiGon Co.op vốn là một cái tên rất nổi tiếng trong ngành phân phối từ nhiều năm nay và đang nắm giữ 35-40% thị phần của thị trường hàng hóa bán lẻ trong cả nước với hàng nghìn nhà cung cấp đầu vào.
Nhưng, điều mà ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc SaiGon Co.op còn băn khoăn là từ đầu năm đến nay, Liên hiệp HTX SaiGon Co.op mới chỉ thu mua hàng hóa của 36 HTX trên toàn quốc với doanh số chỉ vỏn vẹn 176 tỷ đồng. Rõ ràng, đây là con số quá nhỏ bé so với con số tổng doanh thu gần 35 nghìn tỷ đồng của Liên hiệp HTX này.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc SaiGon Co.op (đứng phát biểu) mong muốn sẽ tiêu thụ nhiều nông sản của các HTX nếu như cam kết của 3 bên gồm Liên minh HTX Việt Nam hoặc Liên minh HTX địa phương, các HTX và SaiGon Co.op được triển khai. |
“Thời gian tới SaiGon Co.op sẽ đẩy mạnh công tác thu mua, kích cầu từ các sản phẩm OCOP của các HTX” ông Đức nói.
Không chỉ ở SaigonCoop, các nhà bán lẻ phân phối sản phẩm trên thị trường như BigC, Vinmart,…cũng gặp tình trạng tương tự. Do đặc thù ngành hàng thực phẩm phải đảm bảo yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nên các sản phẩm của HTX thường rất khó “chen chân” vào các chuỗi siêu thị này.
Trong khi đó, bản thân các HTX rất muốn và đang tìm cách thoát khỏi việc sản phẩm sản xuất ra nhưng không được thị trường đón nhận. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các sản phẩm của HTX làm ra sẽ vào được các chuỗi phân phối này?
Tới đây, câu trả lời đã được giải đáp phần nào khi Liên minh HTX Việt Nam đang “ngồi lại” với các nhà phân phối, trong đó có SaigonCoop để hỗ trợ các HTX tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
“Là tổ chức đại diện cho khu vực HTX, Liên minh HTX Việt Nam sẽ hỗ trợ các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản xuất hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc, đồng thời sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh để xây dựng hệ thống sản xuất sạch”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, đồng thời nói rằng chuỗi siêu thị Co.op Mart của SaigonCoop có thể xem là một trong những đơn vị tiên phong đồng hành cùng Liên minh HTX Việt Nam bên cạnh sự vào cuộc hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn khác.
Định hình hợp tác
Rõ ràng, khi đi vào thực hiện, sự hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Coop sẽ mở ra hy vọng mới cho các HTX. Nhất là khi những khó khăn đang nối tiếp khó khăn cho khu vực này trước tác động của đại dịch Covid-19. Với 27.000 HTX, 130.000 tổ hợp tác, trong đó hơn một nửa là HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, thật khó mà không nhắc đến thế mạnh nguồn cung nông sản mà khu vực này có thể cung ứng ra thị trường.
Tiếng là nguồn lực, tiềm năng lớn nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thực tế sản phẩm làm ra của khu vực HTX còn hạn chế tiêu thụ, sức cạnh tranh kém dẫn đến nông sản thường bị lép vế ngay trên chính sân nhà chứ chưa nói đến việc xuất khẩu.
Trường hợp của HTX Ái Nghĩa ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là một minh chứng cụ thể. Với 1.704 hộ thành viên, tính đến hết tháng 9/2020, doanh thu của HTX Ái Nghĩa đạt 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi 2 đợt dịch Covid-19, tính riêng 3 dịch vụ là dịch vụ giết mổ tập trung, tiêu thụ bánh tráng và gạo an toàn sụt giảm doanh số hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh việc ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HTX còn gặp khó khăn trong liên kết, tìm thị trường tiêu thụ.
Thừa nhận chưa bao giờ HTX gặp khó khăn như năm nay, ông Trương Cảm, Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa kiến nghị: “Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kết nối, tiêu thụ nông sản, nhất là đối với các HTX nông nghiệp để các thành viên trong HTX ổn định sản xuất, khắc phục khó khăn”.
Thiếu liên kết bao tiêu nông sản nên dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng sản phẩm của HTX dịch vụ Đức Huy khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ. |
Cũng rơi vào khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiếu liên kết, tiêu thụ nông sản bền vững là HTX dịch vụ Đức Huy, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Với 12 thành viên và 25 hộ gia đình liên kết, sản xuất hơn 5,6 ha các loại rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều đáng nói là HTX cũng đã được tỉnh Hà Nam hỗ trợ 800 triệu đồng để đầu tư nhà màng, nhà lưới và hệ thống phun tưới tiết kiệm tự động, nên hiệu quả sản xuất tăng lên nhiều lần.
Dù sản xuất an toàn, nông sản chất lượng, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ vì liên kết không bền vững, từ đầu năm đến nay, cả trăm tấn nông sản của thành viên và các hộ liên kết không có thị trường tiêu thụ ổn định. Để “gỡ gạc” phần nào chi phí cũng như công sức, các thành viên và hộ gia đình buộc phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các thương lái và bán tại các chợ truyền thống.
Ông Dương Văn Ước, Giám đốc HTX Đức Huy nói rằng, nếu việc liên kết tiêu thụ sản phẩm được mở rộng thông qua hệ thống chuỗi các cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch thì dù có dịch bệnh, nông sản của HTX cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
“Do vậy, chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để sản phẩm các thành viên làm ra không bị tồn ứ”, ông Ước nói.
Có thể thấy, điểm chung mà 2 HTX kể trên cũng như các HTX hiện nay đang gặp phải chính là liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, tìm kiếm thị trường còn hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn này, hợp tác là thông lệ khá phổ biến trên thị trường. “Chúng tôi hy vọng sẽ ký kết hợp đồng 3 bên gồm Liên minh HTX Việt Nam hoặc Liên minh HTX các tỉnh, các HTX và SaiGon Co.op để tạo ra sự vững chắc trong ký kết các hợp đồng thương mại nông sản”, ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, vị Tổng giám đốc Saigon Coop cũng mong muốn không để xảy ra câu chuyện nông sản không bán được thì yêu cầu Co.op Mart giải cứu, còn khi thị trường tiêu thụ tốt hoặc xuất khẩu được lại không cần biết Co.op Mart.
“Chúng tôi cần có sự cam kết ổn định! Xa hơn, SaiGon Co.op sẽ kết nối sản phẩm của các HTX không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế”, ông Đức nhấn mạnh.
Phạm Duy