Năm 2017, HTX nông nghiệp Liên Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới, tưới tiết kiệm tại ruộng với diện tích 2 ha, kinh phí 200 triệu đồng để sản xuất.
Từ sự hỗ trợ này, một số thành viên HTX đã chuyển đổi đất sản xuất lúa sang trồng dưa chuột, cà chua và cho hiệu quả cao, bình quân đạt doanh thu gần 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gần 10 lần so với trồng lúa trước đây.
Hỗ trợ HTX vượt khó khăn
Sau một năm mô hình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam đi vào hoạt động có hiệu quả, năm 2018, HTX Liên Dương được UBND tỉnh Ninh Bình triển khai hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm cho 15ha trồng cây rau màu với tổng kính phí 2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dưa chuột, bí, ớt xuất khẩu và ngải cứu.
Đặc biệt, trong 2 năm 2019 - 2020, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Yên Mô tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 kho lạnh thể tích 30m3 và bê tông hóa 1,2km kênh mương tưới tiêu, tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX Liên Dương có bước phát triển rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX có bước phát triển mới về sản xuất kinh doanh, nhiều HTX nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về chất lượng nguồn nhân lực, nguồn vốn, cơ sở vật chất, đầu ra cho sản phẩm, nhất là chính sách về tín dụng, đất đai và cần được tháo gỡ kịp thời.
HTX dịch vụ Đức Huy, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - một địa phương lân cận tỉnh Ninh Bình, là một điển hình. HTX thành lập tháng 1/2016 theo Luật HTX năm 2012 với 12 thành viên và 25 hộ gia đình liên kết, sản xuất hơn 5,6ha các loại rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho các trường học, bếp ăn tập thể tại địa phương.
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX đã dồn điền đổi thửa, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất trên cánh đồng lớn để nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, năm 2017, HTX được tỉnh Hà Nam hỗ trợ 800 triệu đồng để đầu tư nhà màng, nhà lưới và hệ thống phun tưới tiết kiệm tự động, nên hiệu quả sản xuất tăn lên nhiều lần.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản rớt giá và khó tìm thị trường tiêu thụ, các thành viên HTX dịch vụ Đức Huy không mặn mà chăm sóc vườn rau. |
Năm 2019, niềm vui lớn đã đến với thành viên HTX và các hộ gia đình liên kết khi một phần diện tích của HTX đã chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP do được VinEco ký kết bao tiêu sản phẩm cải bắp để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Niềm vui vừa được thắp lên thì bước sang đầu năm 2020, hoạt động sản xuất của HTX bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các bếp ăn tập thể gần như ngừng hoạt động, việc xuất khẩu rau sang Nhật cũng tạm ngừng khiến việc đầu tư của các thành viên và hộ gia đình liên kết rơi vào khó khăn, trở ngại.
Ông Dương Văn Ước, Giám đốc HTX Đức Huy cho biết, do sản xuất để cung cấp cho các bếp ăn ở các trường học và bếp ăn các khu công nghiệp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh HTX đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các bếp ăn không hoạt động, phương tiện vận chuyển bị hạn chế, nên sản phẩm không tiêu thụ được, các thành viên và hộ gia đình liên kết buộc phải chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các thương lái và các chợ truyền thống.
“Nếu việc liên kết tiêu thụ sản phẩm được mở rộng thông qua hệ thống chuỗi các cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch thì dù có dịch bệnh, nông sản của HTX cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để sản phẩm các thành viên làm ra không bị tồn ứ”, ông Ước nói.
Cần biện pháp tháo gỡ đồng bộ
Sự hạn chế về thị trường tiêu thụ có nguyên nhân chính là do sự thụ động cũng như trình độ, năng lực cán bộ quản lý HTX còn yếu. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác còn hạn chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX tuy được ban hành tương đối đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, song do nguồn lực thực hiện còn ít, chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX.
Đáng chú ý, số lượng HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là hỗ trợ tín dụng, chính sách giao đất, cho thuê đất còn hạn chế, thủ tục vay vốn còn phức tạp nên nhiều HTX khó tiếp cận để đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là những rào cản lớn khiến cho các HTX gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mô hình nuôi cá sạch của HTX Sông Trong Ao |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Sông Trong Ao, xã Bút Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết, dù Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn nhưng rất ít HTX có đủ điều kiện tiếp cận được.
Chẳng hạn như muốn tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoặc ngân hàng thương mại không hề dễ dàng, bởi phần lớn các HTX không có tài sản thế chấp. Một số HTX có tài sản nhưng vẫn không đảm bảo điều kiện vay vốn của ngân hàng vì đó là tài sản tập thể, trong trường hợp rủi ro sẽ khó khăn cho việc thanh lý tài sản.
“Do đó, nếu HTX muốn tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thì phải chấp nhận thế chấp tài sản cá nhân, chịu lãi suất thương mại. Ngoài ra, hạn chế về trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin... là “rào cản” lớn đối với sự phát triển của HTX.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, việc phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX gắn với chuỗi giá trị là định hướng mà Đảng, Nhà nước và Liên minh HTX Việt Nam đã và đang chủ trương đẩy mạnh.
“Để “hiện thực hóa” điều đó, rất cần các bộ, ngành, địa phương phối hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhằm đổi mới, phát triển khu vực kinh tế hợp tác, HTX, trong đó có các chính sách về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng các mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về vốn, đất đai, tài chính, tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực... Đây chính là điều kiện, động lực để các HTX phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tiếp theo”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Phạm Duy