Anh Nguyễn Văn Lượng (Phú Lương, Thái Nguyên), đang sản xuất sản phẩm chè theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và đang làm thủ tục thành lập HTX cho biết, sản phẩm OCOP do đơn vị anh sản xuất dù đã đi xúc tiến thương mại, hội chợ, vào một số cửa hàng nhưng có thực trạng là người tiêu dùng cầm sản phẩm lên rồi lại đặt xuống vì họ cho rằng giá quá cao. Và khi tiếp cận khách hàng, anh giới thiệu đây là sản phẩm OCOP thì nhiều khách còn hỏi ngược lại: Sản phẩm OCOP là gì?
Muốn đi xa phải có đầu tư
“Điều này cho thấy, nhiều người tiêu dùng đang chưa biết đến sản phẩm OCOP là gì hay quy trình sản xuất sản phẩm này thế nào? Đây cũng là lý do khiến họ không lựa chọn và cho rằng sản phẩm này giá cao so với các sản phẩm cùng loại khác”, anh Lượng chia sẻ.
Việc sản phẩm OCOP chưa đến được tay khách hàng cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm chưa mang lại giá trị thực cho các HTX trong quá trình sản xuất kinh doanh, đó là lợi nhuận. Điều này được cho là do sản phẩm OCOP được sản xuất từ những nguyên vật liệu đặc trưng tại địa phương, các HTX phải đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và được kiểm tra chặt chẽ,... nên giá thành cao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm OCOP còn có sự trùng lặp, mất đi sự đặc trưng nên gây hiểu nhầm, nghi ngại cho người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Lượng cho biết, ngay như ở Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm OCOP thì có đến hơn 100 sản phẩm OCOP là trà. Đó là chưa tính nhiều địa phương thuộc vùng miền núi phía Bắc đều có sản phẩm OCOP tương tự nên không tạo ra tính “độc” cho sản phẩm, khó thu hút người tiêu dùng.
Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân, HTX livestream bán nông sản. |
Ông Nguyễn Đức Việt, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Đông Triều (Quảng Trị), cho biết thực tế hiện nay thông tin về sản phẩm OCOP chưa đến được với người dân. Thậm chí chỉ có cán bộ liên quan đến chương trình này mới hiểu và biết đến sản phẩm OCOP chứ người dân rất ít biết.
Đang là chủ một số cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hà, cho biết thực tế qua nhiều năm làm việc với HTX và các chủ thể OCOP, bà nhận thấy nhiều HTX hiện gặp khó khăn về nguồn vốn, không đủ chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nên dần dần không còn mặn mà với OCOP.
Đó cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP ít xuất hiện trên các kệ của hệ thống bán lẻ, siêu thị,... Đa phần các HTX hiện nay tự quảng cáo, tự bán sản phẩm tại cửa hàng của mình, hay tự đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Trong khi để mua sản phẩm OCOP tại cửa hàng đối với người tiêu dùng đã khó, việc mua sản phẩm trên các sàn thương mại còn khó hơn vì khách hàng sẽ có chút e dè, không biết có mua được hàng thật hay không, chất lượng liệu có như mong đợi?
Tìm chỗ đứng cho sản phẩm OCOP
Theo thống kê, đến nay, cả nước có khoảng 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên. Trong 4.704 chủ thể sản xuất OCOP, có 1.818 HTX (chiếm 38,6%) chủ thể OCOP hiện nay. Trong tương lai, chắc chắn số lượng sản phẩm OCOP và chủ thể là HTX sẽ gia tăng.
Điều này cho thấy thị trường sẽ rất khốc liệt bởi không chỉ nhiều sản phẩm OCOP phải cạnh tranh với nhau mà ngay sản phẩm OCOP cũng phải cạnh tranh với các mặt hàng khác, thậm chí là sản phẩm từ nước ngoài về giá, về chất lượng, phương thức tiếp cận khách hàng…
Theo các chuyên gia, nếu không có sự đoàn kết, hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm thì sản phẩm OCOP khó đi được đường dài. Cụ thể là các đơn vị phân phối sản phẩm OCOP nên hỗ trợ các HTX chủ thể về chiết khấu, trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm một cách phù hợp để HTX có thể giảm phần nào chi phí, tìm động lực sản xuất và kinh doanh sản phẩm này. Ngược lại, sản phẩm OCOP của HTX sẽ giúp kệ hàng của các nhà phân phối đa dạng sản phẩm hơn.
Một điểm đáng quan tâm hiện nay là các chủ thể OCOP chủ yếu là nông dân, thành viên HTX nên họ gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng. Chính vì vậy, thay vì để các HTX tự quảng cáo, bán hàng thì các địa phương nên lập kế hoạch, có danh sách các KOL, KOC… là những con em ưu tú của địa phương mình để hỗ trợ người dân, HTX tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hiện đại, ứng dụng công nghệ trực tuyến vào mùa thu hoạch những nông sản OCOP.
Điều này đã được Bắc Giang ứng dụng hiệu quả khi mùa vải chính vụ đang diễn ra. Lúc này, các KOL, KOC đã thực hiện livestream hỗ trợ nông dân, HTX bán hàng và gặt hái được hiệu quả. Chính vì vậy mà chỉ trong 4 tiếng, dàn KOL, KOC đã hỗ trợ người dân, HTX chốt 5.100 đơn hàng là vải, mỳ chũ, thịt gác bếp, thu về hơn 1 tỷ đồng.
Hay như TP. Hà Nội cũng đã thực hiện mời gọi những tiktoker tại Thành phố tham gia trực tiếp các phiên livestream hỗ trợ các chủ thể, HTX bán sản phẩm OCOP và đều mang lại kết quả khả quan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng địa phương nên hợp tác với các KOL, KOC… là người địa phương mình hơn là những người ngoài địa phương vì họ có độ am hiểu nhất định về sản phẩm đặc trưng, nét văn hóa của sản phẩm OCOP. Từ đó có những tư vấn trong quá trình hỗ trợ bán hàng một cách hợp lý, tránh gây hiểu nhầm, hiểu sai về sản phẩm đặc trưng.
Song song đó, các đơn vị là đoàn thanh niên nên tích cực hỗ trợ người dân, HTX trong đào tạo bán hàng theo hình thức hiện đại để các chủ thể này dễ dàng tận dụng công nghệ số vào tiếp cận khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, cho biết thực chất hiện nay, các chương trình của Nhà nước chưa tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu nên khách hàng và người làm ra sản phẩm OCOP khó gặp nhau.
Trong các hội chợ, sản phẩm vẫn chưa được phân loại, bài trí hợp lý mà bị lẫn giữa sản phẩm thường và sản phẩm OCOP nên giá trị sản phẩm đặc trưng của các địa phương chưa được nêu bật, chưa gây sự chú ý tới khách hàng.
Huyền Trang
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |