Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn
Ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh, tỉnh An Giang
Ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh, tỉnh An Giang |
HTX nông nghiệp Phú Thạnh được thành lập ngày 26/05/2005 trên cơ sở hợp nhất 03 HTX Đức Lộc, Phú Cường và Trường Thạnh. Diện tích phục vụ 1.700ha. Đến nay, số thành viên là 388, góp vốn 28.000 cổ phần, tổng vốn góp là 2,8 tỷ đồng. Hàng năm, HTX hoạt động đều có lãi và tích lũy. Tổng nguồn vốn hoạt động hiện nay là 12,9 tỷ đồng.
Trong xây dựng chuỗi giá trị xanh, cần làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các bên khi tham gia chuỗi giá trị (nông hộ – HTX nông nghiệp – doanh nghiệp). Cụ thể: Nông hộ (nông dân) phải tuân thủ quy trình, kỹ thuật canh tác để đảm bảo về sản lượng, chất lượng sản phẩm trong hợp đồng đã quy định và cam kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp sau khi thu hoạch; HTX nông nghiệp (HTXNN) thực hiện khâu tổ chức sản xuất, làm đầu mối trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ bơm tưới,…) và lo đầu ra cho nông hộ sau khi thu hoạch; Doanh nghiệp phải cam kết thu mua hết sản lượng hàng hóa mà HTXNN đã thu hoạch theo giá được thoả thuận trong hợp đồng hoặc giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
Đồng thời, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, trong bối cảnh thực tế hiện nay, chúng ta thực hiện mô hình này trong nông nghiệp sẽ tạo ra những giá trị lớn và tương thích với nền nông nghiệp hiện đại, vừa bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để tăng thêm thu nhập, giá trị tăng thêm từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, cần xây dựng và phát triển mô hình sinh kế, tận dụng thu gom rơm làm nấm rơm, ủ rơm sau trồng nấm sản xuất phân hữu cơ. Đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo kinh tế tuần hoàn cho các nông hộ và HTX tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp.
Tại Diễn đàn HTX Quốc gia 2025, HTX Phú Thạnh đề xuất xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển HTXNN giai đoạn 2025-2030 trên cơ sở rà soát, bổ sung, sửa đổi nội dung các văn bản luật, nghị định, thông tư, quyết định hiện hành còn bất cập, chồng chéo để phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.
Tăng cường và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý HTXNN (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên) các kiến thức, kỹ năng về quản trị, điều hành, kế toán, kiểm toán, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đàm phán hợp đồng kinh tế.
Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi thu mua diện tích nếp trong đề án tăng 100-200 đồng/kg để tác động người nông dân tham gia; Ngành nông nghiệp có chính sách hỗ trợ HTX đầu tư mua máy thu gom rơm, máy sạ cụm kết hợp vùi phân… nhằm thực hiện cơ giới hóa đồng bộ theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50% và HTX đối ứng 50%.
Phương án "lấy ngắn nuôi dài" mang lại giá trị cao, góp phần chuyển đổi xanh
Ông Lưu Văn Diễn, Chủ tịch HĐQT HTX Cơ giới – Xây dựng Vĩnh Thái, Nha Trang, Khánh Hòa
Ông Lưu Văn Diễn, Chủ tịch HĐQT HTX Cơ giới – Xây dựng Vĩnh Thái, Nha Trang, Khánh Hòa |
Khánh Hòa có địa thế đặc biệt vì là nơi giao thoa của hai dòng hải lưu nóng và lạnh, thuận lợi tạo nên những sản vật quý giá. Nhắc đến Khánh Hòa, chúng ta sẽ nhớ đến yến sào đầu tiên, sau đó là tới trầm hương.
Tổng diện tích trồng cây Dó bầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay vào khoảng 350 ha, tập trung nhiều ở các huyện Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Diên Khánh. Tuy nhiên, không phải cây Dó nào cũng tạo ra trầm hương, quá trình tạo trầm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên, giống như quá trình tạo nên hạt ngọc trai vậy. Giữa trăm cây Dó bầu chỉ có một vài cây tạo được trầm hương, và vùng đất nổi tiếng nhất bằng sự ban tặng của tạo hóa, tỉ lệ tạo trầm rất cao là vùng Tu Bông, Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh.
Trầm hương Khánh Hòa được tạo nên từ mủ cây Dó bầu, như minh chứng cho sự kiên cường, bất khuất của chính con người và mảnh đất này. Dù mang đau thương hay mất mát cũng không đầu hàng, không bỏ cuộc, đó cũng chính là linh hồn, là sức mạnh dân tộc Việt. Đến ngày nay, trầm hương đã trở thành sản vật nổi danh, đại diện cho sự quý giá, uy nghiêm núi non của Khánh Hòa. Du khách khi có dịp đến đây luôn không quên mua vài món quà từ trầm để làm quà cho gia đình, người thân của mình.
Đây là loại cây có ý nghĩa về sinh thái và lịch sử tại vùng đất trầm hương Khánh Hoà. Hiện, cây Dó bầu trầm hương tự nhiên có thời gian cho kết quả lấy trầm từ hơn 10 năm trở lên với nhiều biện pháp kỹ thuật khá phức tạp mới cho ra trầm và xác suất cho trầm không cao. Còn cây Dó bầu hương Kỳ Hải Nam là loại cây có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch từ 5-7 năm tuỳ loại giống và cho ra trầm xác suất khá cao, kỹ thuật ít phức tạp.. Trồng cây Dó bầu Kỳ Hải Nam phải có phương án "Lấy ngắn nuôi dài" thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững.
Hiện, HTX có liên doanh liên kết với các HTX có đất rừng trong tỉnh ở khu vực Vạn Ninh, Ninh Hoà, Diên Khánh, Khánh Vĩnh… nhằm nhân rộng loại cây Dó bầu trầm hương có giá trị cao này.
Ứng dụng số hóa vào sản xuất tạo ra giá trị sản phẩm xanh
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, tỉnh Đồng Tháp
HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được thành lập năm 1989.
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, tỉnh Đồng Tháp |
HTX có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp và dịch vụ, các tuyến đường trên địa bàn xã được kết hợp làm đê bao khép kín vừa phục vụ giao thông được bê tông hoá. Ngoài điều kiện phát triển nông nghiệp, xã Bình Thành còn có điều kiện phát triển nhiều dịch vụ khác, cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ngoài việc định hướng cho hộ thành viên trong HTX ổn định và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, tăng cường tình đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư; cùng cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới, hiện nay HTX đang đảm nhận thực hiện 3 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao: tiêu chí 2, tiêu chí 3, tiêu chí 13 và hỗ trợ cho nhiều tiêu chí khác.
HTX Bình Thành cũng như các HTX khác trong tỉnh đang ra sức đẩy mạnh chuyển đổi số theo Chỉ thị 19/CT-TTCP ngày 03/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, HTX, theo đó thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Để thích nghi với tình hình phát triển mới, HTX đang quản lý và thực hiện gần 1.200ha đất sản xuất nông nghiệp có gần 100% người nông dân được sử dụng công nghệ tiến tiến “máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật” nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tối ưu hóa năng suất, giảm chi phí đầu tư, dễ dàng ứng dụng cho nhiều loại cây trồng và địa hình khác nhau, nhất là giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất, bảo vệ sức khỏe người nông dân. Hiện tại, các sản phẩm làm ra tại HTX như: Lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai được gắn mã QR minh bạch trong sản xuất, đảm bảo chất lượng và tính an toàn của sản phẩm hàng hóa, thuận tiện trong công tác quản lý, truy xuất thông tin nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, HTX triển khai các công việc được số hóa như: sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm,….. cũng là những nội dung trọng tâm và tiếp tục thực hiện nhân rộng; hướng tới HTX sẽ đầu tư mô hình “trạm giám sát sâu rầy thông minh” tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy giúp người nông dân an tâm sản xuất. Có thể thấy, việc chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả sản xuất và kinh tế cao, góp phần phát triển HTX theo hướng bền vững.
Chuyển đổi năng lượng xanh, hướng đi bền vững trong tương lai
Ông Đinh Công Hành, Chủ tịch HĐQT HTX Vận tải Phú Thành – Tuyên Minh, tỉnh Quảng Bình
Ông Đinh Công Hành, Chủ tịch HĐQT HTX Vận tải Phú Thành – Tuyên Minh, tỉnh Quảng Bình |
Vấn đề ô nhiễm không khí ở các địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí là phát thải từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Với mục tiêu phát triển phương tiện giao thông vận tải và hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính; hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 và tăng trưởng xanh, ngành giao thông vận tải đang nghiên cứu "Xây dựng chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện", đặc biệt là đưa ra các chính sách ưu tiên phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông vận tải, hệ thống vận tải công cộng thân thiện môi trường (xe buýt CNG/điện, taxi điện, đường sắt đô thị...).
Đối với HTX Vận tải Phú Thành – Tuyên Minh, trong quá trình hoạt động đã góp phần giúp các thành viên vượt qua khó khăn, phát huy sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức vận tải; đổi mới công tác tổ chức quản lý, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải, tiết kiệm chi phí, giữ vững hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, vận tải hành khách đã đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân; vận tải hàng hóa phục vụ tốt, kịp thời cho các yêu cầu về xây dựng phát triển kinh tế-xã hội.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đối với các HTX, cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời, tăng cường xây dựng lộ trình phù hợp để triển khai thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải, đổi mới chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Tạo việc làm ổn định từ những mô hình sản xuất xanh
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Giang, tỉnh Bình Định
HTX nông nghiệp Thượng Giang được thành lập năm 1980, năm 1998 chuyển đổi đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 1996 và tháng 4/2015 chuyển đổi đăng ký lại theo Luật HTX 2012. Trong năm 2022 sáp nhập 2 HTXNN Hữu Giang và Tả Giang vào HTXNN Thượng Giang.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Giang, tỉnh Bình Định |
Là đơn vị kinh tế có số lượng thành viên chiếm trên 70% tổng số hộ trong xã nên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX đã có tác động tích cực đến đại bộ phận nông dân trong xã như: công tác áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, thực hiện nghiêm lịch thời vụ, làm đúng cơ cấu giống; luôn có ý thức sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, các thành viên luôn đoàn kết tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cũng như trong cuộc sống, thi đua sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.
Đó là những nhân tố góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ngoài ra, hàng năm, HTX đã xuất quỹ phúc lợi hàng chục triệu đồng để góp phần lo cho thành viên, lo cho cộng đồng…. cũng là những đóng góp thiết thực, tích cực để chương trình nông thôn mới của xã ngày càng thành công hơn.
Nông nghiệp xanh có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị và cũng là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các HTX nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy nông nghiệp xanh và giảm phát thải.
Những mô hình sản xuất xanh của HTX đang từng bước khắc phục điểm yếu cố hữu của sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm ổn định.
Tuy nhiên, dù được coi là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm cơ chế, định hướng rõ ràng để tạo thuận lợi cho HTX khi áp dụng nông nghiệp xanh vào thực tiễn.
Tôi đề xuất các ban, ngành cần sớm xây dựng, triển khai sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, HTX với người tiêu dùng.
Cùng đó, các địa phương cần tạo thêm cơ chế giúp HTX hoàn thành mục tiêu sản xuất theo hướng xanh, nâng chất lượng cho sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho thành viên HTX.
Cần cơ chế đủ mạnh cho các đơn vị xuất khẩu và phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo
Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Vĩnh Cường, tỉnh Bạc Liêu
Trong sản xuất, chuỗi liên kết sản xuất lúa của HTX hiện bao gồm thành viên, các hộ liên kết và hơn 15 HTX vệ tinh thuộc địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và An Giang thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn hiện đại, đạt chất lượng xuất khẩu. Đến nay, HTX đã được cấp mã vùng trồng lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất Châu Âu (SRP) với 800 ha; được cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc với diện tích 7.000 ha.
Đến vụ thu hoạch, HTX thực hiện thu gom cho thành viên và các HTX vệ tinh trên tổng diện tích liên kết bình quân khoảng 50.000 ha/năm. HTX tổ chức thu mua lúa hàng hóa theo giá thị trường, hạn chế việc thương lái ép giá, phá giá.
Về phần đầu ra, HTX nông nghiệp Vĩnh Cường thực hiện bao tiêu lúa hàng hóa cho hơn 10.000 hộ.
Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Vĩnh Cường, tỉnh Bạc Liêu |
Liên kết với 03 tập đoàn và 09 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo, một phần sơ chế thành gạo thành phẩm để cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.
Ngoài những đơn vị đã liên kết, nhiều doanh nghiệp, HTX khác cũng chủ động đề xuất hợp tác trực tiếp với HTX trong sản xuất và tiêu thụ lúa.
Tại Diễn đàn HTX Quốc gia 2025, HTX đề xuất cần có cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo. Tháo gỡ cho doanh nghiệp, HTX có đủ năng lực về điều kiện trang thiết bị, nguồn tài lực để thu mua, bảo quản hết diện tích liên kết trong vùng nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch chính vụ. Đồng thời, có giải pháp kiểm tra, giám sát và xử lý việc doanh nghiệp tuân thủ quy định về phát triển vùng nguyên liệu khi tham gia kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Tăng cường các giải pháp để nâng cao ý thức của thành viên, hộ nông dân trong tham gia liên kết. Tự nguyện sẽ quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực hiện liên kết, cùng hưởng lợi; đồng thời cũng chia sẻ những rủi ro nếu có trong quá trình liên kết.
Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho thành viên HTX, hộ nông dân sản xuất theo quy trình xanh, hữu cơ đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, gắn với đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, ghi chép nhật ký sản xuất cho các vùng nguyên liệu; đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho từng vùng nguyên liệu với quy mô, diện tích phù hợp.
Các ngành chức năng cần tham gia mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, thành viên và hộ nông dân trong thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất; nhất là khâu quản lý. Xử lý tình trạng phá giá lúa của “cò lái” gây khó khăn cho doanh nghiệp, HTX trong thu mua, hay xử lý các trường hợp phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại cho HTX, doanh nghiệp và ngược lại.
Minh Thành (thực hiện)