Đơn cử như TP. Hà Nội, hai năm gần đây, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm gặp nhiều khó khăn do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cũng phải thay đổi phương thức và thời gian tổ chức để bảo đảm phù hợp với điều kiện dịch bệnh…
Sản phẩm Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn (Bắc Giang) đạt chứng nhận 3 sao, được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP đang là một sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Ảnh Int |
Tuy nhiên, với những nỗ lực của các HTX, doanh nghiệp... riêng năm 2021, Hà Nội đã có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được Hội đồng OCOP TP đánh giá, phân hạng và đủ điều kiện trình UBND TP quyết định công nhận (vượt kế hoạch TP giao là 400 sản phẩm OCOP năm 2021). Với kết quả này, Hà Nội sẽ có tổng số hơn 1.500 sản phẩm OCOP kể từ khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đặc biệt, năm nay Hà Nội cũng sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn quốc tế về sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, hàng thủ công mỹ nghệ trong năm 2022. Phấn đấu phát triển sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.
Tại Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND thực hiện Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2022.
Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu tiêu chuẩn hóa 41 sản phẩm hiện có, phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, bao gồm các doanh nghiệp và các hợp tác xã. Triển khai phát triển 1 làng nghề tranh gạo; phát triển thêm 20-25 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao trở lên, trong đó có từ 1-2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Phấn đấu năm 2022 mỗi quận, huyện có ít nhất 2 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, tỉnh này cũng phấn đấu năm 2022 nâng hạng sao từ 5-10 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận OCOP.
Theo đó, Bắc Giang khuyến khích thành lập mới nhiều Hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, sản xuất hàng hoá, quy mô lớn và đảm bảo chất lượng. Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tích cực tham gia Chương trình OCOP. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP. Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu….
Theo Bộ NN& PTNT, đến nay, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), công nhận 5.401 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 62,6% sản phẩm 3 sao, 35,8% sản phẩm 4 sao và 1,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện có hơn 2.944 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 38,8% là hợp tác xã, 27,4% là doanh nghiệp, còn lại là cơ sở sản xuất, tổ hợp tác.
Bộ NN&PTNT nhận định, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn. Đến nay đã có 20 sản phẩm OCOP 5 sao, được Bộ NN& PTNT phân hạng năm 2020.
Liên minh HTX Việt Nam cho biết, tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP đang khuyến khích các HTX, tổ hợp tác (THT) ra đời, chuyển đổi và hoạt động theo đúng Luật HTX 2012. Bên cạnh đó, khi HTX, THT gắn sản xuất với tham gia OCOP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nền tảng phát triển các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn.
Một số sản phẩm OCOP chất lượng cao của nhiều HTX trong cả nước đã được các siêu thị nước ngoài phân phối, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt được thành tích kỷ lục trên 48,6 tỷ USD. Trong đó, có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả, gạo...
Các chuyên gia cho rằng, để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP và hiệu quả của chương trình OCOP, giai đoạn này các địa phương cần tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như: hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; tạo công ăn việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường, anh sinh xã hội…
Trà My