Ngoài nhãn, vải, xoài, thành long thì mới đây, quả sấu đông lạnh của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Australia và được bán với giá gần 300.000 đồng/kg. Hay củ đậu ở Việt Nam có giá khoảng 12.000-15.000 đồng/kg nhưng khi xuất sang Australia, giá bán là 190.000-200.000 đồng/kg. Trong khi củ đậu là sản phẩm bình dân, yêu cầu bảo quản không quá khó khăn nhưng đã nâng được giá trị khi xuất khẩu.
Chất lượng vẫn còn nhiều bất cập
Có được điều này này là do Australia được đánh giá là thị trường tiềm năng, thu nhập bình quân của người dân nước này trung bình khoảng 800 triệu đồng/năm nên sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm chất lượng. Mùa của Australia lại trái ngược với mùa của Việt Nam cũng chính là lợi thế để các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Bên cạnh đó, Australia còn được gọi là đất nước nhập cư, trong đó có người Việt nói riêng và người gốc Á chiếm tỷ lệ tương đối nên nông sản Việt sẽ có sức hút trên thị trường này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong câu chuyện xuất khẩu của các HTX hiện nay đó chính là nông sản, đặc biệt là trái cây tươi khi xuất sang Australia phải trải qua công đoạn chiếu xạ, chiếu nhiệt.
Chẳng hạn như quả xoài tươi phải được chiếu xạ bắt buộc tại một cơ sở xử lý được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc HTX Tân Thuận Tây (Đồng Tháp) cho biết, chiếu xạ là phương pháp xử lý dịch hại và bảo quản nông sản, phục vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo được điều này, HTX phải vận chuyển xoài lên TP Hồ Chí Minh để xử lý chiếu xạ trước khi xuất khẩu.
Sấu đông lạnh là một trong những mặt hàng được xuất khẩu sang Australia. |
“Điều này khiến HTX gia tăng chi phí và kéo dài thời gian vận chuyển làm ảnh hưởng đến chất lượng quả xoài khi có mặt ở Australia. Trong khi đây là thị trường có những quy định rất ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm”, ông Chì nói.
Còn ông Trần Đăng Huệ (Harry Trần), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney, cho biết Australia vốn là thị trường mở vì ít rào cản về thương mại, thuế quan nhưng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng lại rất được coi trọng. Điều này cũng biến Australia thành thị trường phẳng, dễ thu hút doanh nghiệp từ các nước khác nhưng đây cũng chính là khó khăn với HTX, doanh nghiệp Việt vì tính cạnh tranh cao.
“Do tính cạnh tranh gay gắt nên HTX muốn xuất khẩu sang thị trường này bắt buộc phải đảm bảo được chất lượng. Tuy nhiên thách thức lớn nhất của nông sản Việt Nam lại ở chính vấn đề này”, ông Huệ nói.
Thực tế đã chứng minh, dù đã chuẩn bị kỹ nhưng việc xuất khẩu của của Việt Nam sang Australia có lúc không thuận lợi. Cụ thể là đã có doanh nghiệp thu mua vải của HTX để xuất khẩu, nhưng trong quá trình bảo quản, nhiệt độ kho lạnh bên Australia không tương thích với nhiệt độ trong quá trình vận chuyển nên vỏ quả vải bị thâm đen và mất giá trị. Người tiêu dùng Australia cũng không mua sản phẩm này vì họ biết chất lượng sản phẩm đang suy giảm.
Hay như mặt hàng gạo, vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu gạo Việt. Nếu không nâng cao chất lượng, gạo Việt sẽ khó cạnh tranh với gạo Thái Lan tại Australia, thậm chí không được bày bán ngay cả ở khu chợ nơi có nhiều Việt kiều sinh sống ở ngoại ô các thành phố lớn như Sydney hoặc Melbourne.
Nâng chất để mở cửa thị trường
Muốn trụ vững trên thị trường Australia, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp, HTX Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu chứ không phải là số lượng và giá cả thấp. Bởi cùng là xuất khẩu vào thị trường này nhưng trái cây của Thái Lan hiện không bị yêu cầu chiếu xạ, chiếu nhiệt còn trái cây của Việt Nam lại phải vượt qua rào cản kỹ thuật này.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ Tất lý giải, sự khác biệt trên là do quy trình trồng trọt, thu hái, vận chuyển của HTX, doanh nghiệp có vấn đề. Nếu luôn bảo đảm chất lượng, làm đúng quy trình sẽ khó xảy ra tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép hay lô hàng vẫn có sinh vật gây hại..., trừ lý do khách quan như phía Australia đang thiếu nhân công kiểm tra hàng nhập cảng hiện nay.
Vì vậy, khi HTX, doanh nghiệp sản xuất đúng quy trình, bảo đảm được chất lượng thì sẽ gỡ được những khó khăn về vấn đề chiếu xạ. Nâng cao chất lượng cũng giúp HTX xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền, trong khi người tiêu dùng Australia thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.
Đi liền với đó, đơn vị xuất khẩu cũng cần lưu ý đến quy trình xuất nhập, yếu tố kỹ thuật, khâu vận chuyển... nhằm đảm bảo giữ nguyên được độ tươi của nông sản, từ đó mới thu hút được người mua.
“Sầu riêng của Việt Nam được người Australia ưa chuộng phải là sầu riêng tươi nguyên quả vì có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Nếu không làm tốt khâu bảo quản sẽ dễ đánh mất lợi thế về chất lượng của loại nông sản này”, ông Thìn nói.
Ngoài những điều trên, các chuyên gia cũng cho rằng để thâm nhập vào thị trường này, các HTX cần có cái nhìn dài hạn, có cam kết về nhân sự, tài chính, công nghệ một cách rõ ràng. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ở Australia thường giao dịch bằng tiếng anh, nếu nhân sự của HTX không đáp ứng được điều này thì chuyện bàn bạc đã khó, chưa nói đến chuyện làm việc lâu dài. Còn ngược lại, nếu nông sản xuất khẩu sang được thị trường này sẽ mang giá trị kinh tế cao và có thương hiệu trên thị trường.
Câu hỏi đặt ra với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, HTX thì thâm nhập như thế nào? Ông Trần Đăng Huệ cho rằng các HTX, doanh nghiệp nhỏ nên liên kết với nhau để cùng tương tác, hỗ trợ nhau và điều quan trọng hơn là cắt giảm chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, HTX có thể tận dụng cộng đồng du học sinh người Việt khoảng 30.000 người đang sống và làm việc ở Australia. Đây là nguồn nhân lực chất lượng để HTX tận dụng, khai thác, Australia cũng đang tận dụng triệt để nguồn nhân lực này để kết nối, xuất khẩu nông sản sang Việt Nam.
Huyền Trang