Trung du và miền núi phía Bắc vẫn đang là vùng lõi nghèo, khó khăn nhất cả nước. Trong khi đó, mục tiêu phát triển đến 2045 đặt ra tương đối tham vọng: 50% số tỉnh thuộc vùng nằm trong nhóm phát triển khá. Để đạt mục tiêu này, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ cần nỗ lực rất lớn.
HTX khẳng định vai trò
Trong dòng chảy phát triển chung, những năm qua, các HTX trên địa bàn nhiều tỉnh đang cho thấy vai trò quan trọng. Đáng chú ý, trong thời gian qua, sự chủ động trong ứng dụng công nghệ cao đã và đang giúp các đơn vị tăng trưởng ổn định, trở thành điểm tựa giảm nghèo, làm giàu cho thành viên.
Đơn cử, xã Gia Cát đang là một trong những vùng rau chủ lực trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, với tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.
Điển hình có thể kể đến HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát phát triển sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả vượt trội. Giám đốc Hoàng Văn Thuận cho hay, HTX hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ vào sản xuất, HTX đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng, cải thiện giá bán, tạo việc làm thu nhập cao cho lao động. 100% hộ thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
HTX cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn để trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết (Ảnh: BBG). |
Tương tự, ở Bắc Giang, các HTX cũng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên tại huyện Yên Dũng đang có những thành công ấn tượng.
Giám đốc Trần Xuân Đăng cho biết, sản phẩm chủ lực của HTX gồm có dưa chuột, cà chua và dâu tây. Bình quân mỗi tháng, HTX đưa ra thị trường gần 30 tấn sản phẩm, trong đó hơn 50% cung cấp cho các siêu thị như BigC, Vinmart, cùng các chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, còn lại bán trên “chợ online”.
Sản xuất ổn định, HTX đang tạo việc làm cho nhiều lao động, mức lương bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, HTX đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Việc ngày càng khẳng định được vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đang giúp các HTX có được nhiều sự quan tâm hơn từ các cấp quản lý. Hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc đang có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ kinh tế hợp tác nâng cao hiệu quả.
Điển hình như ở Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 2.834 doanh nghiệp và 619 HTX, trong đó riêng 7 tháng đầu năm 2022 có 181 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là khoảng gần 1.970 tỷ đồng và 53 HTX thành lập mới với số vốn điều lệ 102,4 tỷ đồng.
Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thậm chí dừng hoạt động, tỉnh đã triển khai kịp thời việc miễn giảm thuế, phí, lệ phí theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” đến năm 2025 để tạo lập môi trường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; ưu tiên kết nối xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh.
Không chỉ ở các địa phương, việc thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng núi phía Bắc đang được sự quan tâm rất lớn từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Minh chứng là sắp tới, ngày 27/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Cụ thể, hội nghị sẽ diễn ra với chủ đề "Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”, hướng tới mục tiêu công bố Chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, theo kế hoạch, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn sẽ được lựa chọn là các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng. Tại hội nghị tới, danh mục thu hút đầu tư cho các tỉnh sẽ được bàn thảo, rà soát để đảm bảo tính khả thi. Sơn La sẽ được lựa chọn thành trung tâm chế biến sản phẩm nông sản. Tuyên Quang tập trung phát triển ngành gỗ. Lào Cai trở thành trung tâm kết nối kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Có thể thấy, vùng núi Bắc Bộ sẽ có được nhiều sự quan tâm trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Với khu vực kinh tế hợp tác, để chớp lấy những thời cơ, vận hội mới, bản thân mỗi HTX trong vùng cần chủ động cả về cơ sở vật chất, nhân lực, cũng như tâm thế sẵn sàng đón nhận khi cơ hội đến.
Mỹ Chí