Đây là ý kiến của đa số đại biểu phát biểu tại tọa đàm “Tăng cường liên kết phát triển kinh tế hợp tác bền vững” do Thời báo Kinh Doanh (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức sáng 10/9, tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh chủ trì tọa đàm |
HTX cần chủ động đổi mới
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương,
cho biết thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động XTTM liên kết vùng, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất của các HTX. Tuy nhiên, số lượng HTX tham gia các hoạt động XTTM còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động XTTM tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm tại nước ngoài.
“Nhiều HTX chưa đủ nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư tham gia các chương trình XTTM lớn. Các đơn vị chủ trì chưa đầu tư xây dựng nhiều đề án hỗ trợ XTTM mang tính dài hạn, theo chuỗi từ XTTM phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ”, ông Chiến cho biết.
Đồng tình quan điểm này, bà Chu Thị Linh - Trưởng phòng Quản lý HTX - Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT), khẳng định Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX, nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều. Công tác phối hợp trong việc thực hiện chính sách giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt, nên còn chồng chéo trong việc triển khai thực hiện các chính sách. Quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác (KTHT), HTX còn nhiều hạn chế, một số nơi bị buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ và tốt các nội dung quản lý nhà nước về KTHT, HTX.
Theo ông Lê Văn Việt - Chủ tịch HĐQT HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương), muốn có chuỗi kết nối thì phải có các mắt xích kết nối bền vững, ký hợp đồng hợp tác chiến lược toàn diện với các đối tác có uy tín. Muốn phát triển thị trường phải tạo ra sản phẩm tốt.
Mỗi HTX phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Có như vậy mới xúc tiến thương mại được. Thậm chí khi đó không cần đến xúc tiến mà người ta tự tìm đến sản phẩm của mình.
“Mỗi tỉnh nên xây dựng Trung tâm xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm của địa phương để tập hợp và trưng bày tất cả các sản phẩm tiêu biểu của các HTX. Đây là mô hình xúc tiến thương mại tốt nhất. Mỗi tỉnh nên lựa chọn 5 - 10 HTX tiêu biểu để thực hiện OCOP và có hướng hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các mô hình mẫu tiêu biểu. Phải tạo nên các HTX thực sự mạnh và lấy đó làm tiêu chuẩn để các HTX hướng tới mục tiêu đó”, ông Việt nêu quan điểm.
Ông Đồng Mạnh Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, cho rằng HTX có rất nhiều tính ưu việt, nhưng thực tế nó đang thiếu một cái “đầu kéo”, đó là doanh nghiệp, nhất là HTX nông nghiệp. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới có thể mở cửa, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX đều đặn. Chính sách hỗ trợ đối với HTX hiện nay chỉ như những liều thuốc kháng sinh không đủ liều lượng để giải quyết dứt bệnh, mà chỉ có tính “ngăn chặn cơn sốt” trước mắt. Do vậy, nên có chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm của HTX và có sự liên kết bền vững để HTX mạnh lên.
Chính sách phải thiết thực
Theo bà Nguyễn Lan Hương - Giám đốc HTX Phú Cường (Hà Nội), việc hỗ trợ cho các HTX không chỉ là nói suông, mà phải
bằng hành động thiết thực, cụ thể. HTX Phú Cường đang xây dựng 50 hệ thống chợ để trở thành “Trung tâm kết nối nông sản, hàng hoá”. Tuy nhiên, HTX cũng đang gặp khó khăn bởi một số chính sách, nhất là một số địa phương còn nhiêu khê, rườm rà, gây khó khăn cho các HTX.
“Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành Liên minh HTX các cấp sẽ cùng đồng hành với HTX tiêu dùng Việt Nam để xây dựng mô hình tại các tỉnh để hoạt động có hiệu quả”, bà Hương đề xuất.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh - ông Đặng Đức Thính, cho rằng KTHT, HTX luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chủ trương, chính sách rất đúng, nhưng việc triển khai đến người được thụ hưởng còn bất cập, có từ 80 đến 90% HTX không được hỗ trợ chính sách này. Làm sao để tháo gỡ vấn đề này là mong mỏi của các HTX và Liên minh các cấp.
“Cần hỗ trợ cho các HTX thuê đất hoặc giao đất làm trụ sở. Liên quan đến liên kết trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thì còn nhiều khâu, nhiều việc chồng chéo, nhất là trong công tác quản lý. Điều này dẫn đến số lượng HTX thì đông, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi”, ông Thính cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục KTHT&PTNT (Bộ NN&PTNT), cho biết
các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan hữu quan thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực XTTM. Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, định hướng hoạt động cho HTX. Các HTX phải chủ động phối hợp, yêu cầu các hiệp hội chuyên ngành xây dựng thông tin đề án làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường. Tiếp tục bố trí kinh phí và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải...
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, ý kiến phát biểu của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Liên minh các tỉnh, thành phố và các HTX tiêu biểu là những gợi mở giúp các nhà làm chính sách tham khảo, sửa đổi, bổ sung để chính sách được ban hành và đi vào thực tế, bảo đảm tính khả thi.
“Những kiến nghị này Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành sẽ tổng hợp, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ có hướng tháo gỡ”, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Phạm Duy