Theo thống kê của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, dịp nghỉ lễ năm nay ghi nhận lượng du khách tăng mạnh ở tất cả các điểm du lịch trên cả nước. Ước tính, chỉ trong 4 ngày, đã có khoảng 5 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó khoảng 2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu cả nước ước đạt 22.000 tỷ đồng.
Những con số “biết nói”
Với việc đón được tổng cộng 898.000 lượt du khách, Thanh Hóa đứng đầu các địa phương trong việc thu hút du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tăng 85,6% so với năm 2021. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.960 tỉ đồng, tăng 123,2% so với năm 2021.
Không chỉ có du lịch Thanh Hoá “thắng lớn”, hàng loạt địa phương khác cũng ghi nhận lượng du khách tăng trên 100%, thậm chí tính bằng lần. Điển hình như: Dịp này, Ninh Bình đón 180.000 lượt du khách, trong đó có gần 7.000 lượt khách quốc tế; doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng. Đáng lưu ý, một số khu du lịch, điểm du lịch lớn trên địa bàn như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc - Bích Động, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đều đón trên dưới 10.000 lượt du khách, tăng từ 140 đến 150% so với cùng kỳ năm 2021.
Sầm Sơn là địa điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua. |
Thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 4 ngày của kỳ nghỉ lễ, tỉnh thu hút khoảng 34 vạn lượt du khách, con số kỷ lục so với nhiều năm trước đó. Còn lượng du khách đến Lào Cai ước đạt 148.900 lượt, tăng 190% so với kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch vừa qua. Điểm đến Sa Pa được nhiều khách chọn dừng chân.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, khách tới Đà Nẵng tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt tăng gần 16 lần. Lý do dẫn đến sự tăng trưởng này là việc Đà Nẵng mở lại các đường bay quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp lớn ngành du lịch cũng phấn khởi khi lượng khách đông như trước dịch. Theo Tập đoàn Sun Group, trong 3 ngày lễ tính từ 30-4 đến 2-5, các khu du lịch của đơn vị này đã đón hàng trăm ngàn lượt khách.
Cục Hàng không cho hay, dịp nghỉ lễ vừa qua (tính từ ngày 30-4 đến 3-5), khách đi đường hàng không đạt hơn 1,1 triệu lượt. Trong 3 sân bay lớn nhất nước, sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) tiếp tục dẫn đầu về số lượt khách dịp này, với hơn 375.000 lượt. Tiếp đến là sân bay Nội Bài (Hà Nội) với 240.000 lượt khách; sân bay Đà Nẵng đạt gần 95.000 lượt khách.
Đặc biệt, nếu so sánh thì lượng khách trong kỳ nghỉ lễ năm nay đã đạt đỉnh điểm của cùng kỳ năm 2019 - khi ngành du lịch chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tức khách của đơn vị đã phục hồi như trước dịch.
Du lịch đang tạo tác động lan tỏa
Các doanh nghiệp cho rằng, sự bùng nổ của ngành du lịch đang tạo tác động lan tỏa tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan như: giao thông, bán lẻ, nhà hàng, khách sạn… và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4-2022 ước tính tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tháng 4-2022 tăng lần lượt là 14,8% và 49,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,2% và tăng 10,5%.
Vận tải hành khách 4-2022 có mức tăng khá cao do dịch COVID-19 đã được kiểm soát cùng với chính sách mở cửa du lịch nên nhu cầu đi lại của người dân tăng, hành khách luân chuyển tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, sự bùng nổ của ngành du lịch trong dịp lễ không chỉ đến từ tâm lý dồn nén của du khách sau hai năm mà các địa phương đã rất chủ động tung ra nhiều sản phẩm mới, tổ chức sự kiện để hấp dẫn du khách vui chơi, giải trí, mua sắm.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế phục hồi, GDP tăng, dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, các gói kích cầu hỗ trợ người dân tăng thêm thu nhập đẩy nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng cao. Do đó, cần đẩy mạnh các biện pháp kích cầu để thu hút người dân du lịch trong nước, tăng nguồn thu cho các địa phương và giảm "chảy máu" nguồn khách du lịch (đồng nghĩa với chảy máu ngoại tệ) ra nước ngoài.
Thực tế, hiện nay nhiều địa phương đã chuẩn bị những kế hoạch cho sự phục hồi bền vững và mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là sẵn sàng tung ra các sản phẩm mới đón mùa cao điểm du lịch hè. Chẳng hạn, từ tháng 6 tới tháng 8, TP.Móng Cái (Quảng Ninh) dự kiến tổ chức nhiều hoạt động để thu hút du khách, trong đó có giải đua xe đạp mở rộng toàn quốc gắn với hành trình khám phá vùng biên Tổ quốc; Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Khu di tích lịch sử Pò Hèn; Lễ hội đình Bình Ngọc...
Tỉnh Thanh Hóa cũng lên kế hoạch xây dựng Hải Tiến thành mô hình du lịch sinh thái biển bền vững gắn kết phát triển du lịch biển với các thành phần kinh tế khác của đô thị để phát triển toàn diện kinh tế đô thị Hải Tiến và khu vực các xã ven biển còn lại.
Thanh Hoa