HTX chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (Quảng Nam) đẩy mạnh chế biến cá nục rim và được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Hoa Kỳ, không chỉ là bước ngoặt quan trọng đối với HTX mà còn mở ra cơ hội trong liên kết, hợp tác, chế biến cho người dân địa phương, giúp đặc sản quê hương đến với thị trường thế giới.
Khó đầu tư công nghệ hiện đại
Còn tại HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song, Đắk Nông) việc đầu tư cho chế biến bột cà phê đã giúp HTX tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng ở nước ngoài, đồng thời giải quyết đầu ra cho 100ha liên kết của bà con.
Ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, cho biết trong nông nghiệp, chế biến có vai trò rất quan trọng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là thị trường xuất khẩu, các sản phẩm chế biến còn có thời gian bảo quản dài hơn, giảm được tổn thất sau thu hoạch, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Vì thế, nhiều năm qua, HTX đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, đầu tư thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Có thể thấy, chế biến là giải pháp tối ưu để các HTX khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản phẩm thô. Hiện tại, nhiều HTX cũng có đa dạng các sản phẩm nhờ được đầu tư chế biến bằng công nghệ hiện đại. Điều này cho thấy, năng lực của các HTX trong bảo quản, chế biến nông sản đang dần được nâng cao. Ngay như trong tháng 6 vừa qua, việc HTX chế biến nông sản Võ Nhai (Thái Nguyên) khánh thành xưởng chế biến nông sản với công suất trên 20.000 sản phẩm/tháng và bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân cũng như nông đặc sản địa phương.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, những HTX làm được như HTX Võ Nhai, Bechamp Đắk Nông hay Bà Ba Hội, chưa nhiều. Thay vào đó, phần lớn các công nghệ chế biến nông sản của các HTX vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô chế biến vừa và nhỏ.
Bà Vi Thùy Dương, Giám đốc HTX Hương Ngàn (Bắc Kạn) cho biết dù đã đầu tư cho chế biến quýt và tinh dầu nhưng đến nay sản phẩm đã chế biến của HTX còn nhỏ lẻ, chưa thể sản xuất quy mô lớn và gia công cho doanh nghiệp nên chưa nâng cao được hết giá trị gia tăng cho nông sản địa phương.
Nhà xưởng chế biến nông sản của HTX Võ Nhai được đầu tư theo quy trình và công nghệ hiện đại. |
“Thiếu quy mô nhà xưởng trong khi quýt chỉ thu hoạch theo mùa vụ nên HTX muốn đầu tư công nghệ hiện đại cũng không thuận tiện”, bà Dương chia sẻ.
Ngoài vấn đề quy mô nhà xưởng, nguyên liệu phục vụ chế biến, nhiều HTX còn chưa chủ động được thông tin thị trường, dẫn đến sản xuất chưa có kế hoạch khiến lợi nhuận mang lại không cao. Từ đó, khiến HTX khó có khả năng tích lũy, dễ bị thiếu vốn nên khó đầu tư công nghệ, nhà xưởng khép kín.
Chính vì vậy mà khoảng 70% nông sản của HTX hiện nay cung cấp ra thị trường là ở dạng thô. Đây chính là thách thức lớn nhất cho nông sản của HTX, nhất là việc làm sao để đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật xuất khẩu.
Thiếu hệ thống dữ liệu
Theo các chuyên gia, khi nói đến đầu tư công nghệ cho chế biến, điều các HTX gặp khó khăn nhiều nhất chính là về vốn. Một nhà xưởng, khu chế biến chuyên nghiệp cũng cần số vốn khoảng 5-7 tỷ đồng. Như khu sản xuất của HTX Võ Nhai có diện tích 1.000m2 với khu chế biến, sấy, đóng gói, bảo quản thành phẩm, khuôn viên cũng cần vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ đồng. Còn theo ông Lê Đình Hùng, muốn chế biến được cà phê, thành viên phải học các lớp về hương vị đã lên đến 50-60 triệu đồng/khóa. Còn đầu tư công nghệ, máy móc chế biến đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cũng dao động từ 4-6 tỷ đồng.
Trong khi đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ chế biến đi liền với rủi ro cao nhưng hiện nay lãi suất ngân hàng chưa được hợp lý với điều kiện thực tế của các HTX. Đó là chưa kể nhiều chính sách ưu đãi nhưng chưa được thực thi hoặc chậm đi vào thực tiễn càng khiến HTX gặp trở ngại trong việc đầu tư cho chế biến một cách chuyên nghiệp.
Ngoài vấn đề trên, nhiều HTX hiện nay còn thiếu nhân lực để làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó là các HTX chưa thể chủ động được các dữ liệu liên quan đến ngành nghề của mình nên chưa đưa ra được phương thức hoạt động hiệu quả.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, dẫn chứng về hạt đậu nành. Muốn chế biến và thu được hiệu quả, người nông dân, thành viên HTX cần biết được cả về tiềm năng của nông sản này cũng như phụ phẩm trong quá trình sản xuất là những gì? Con số cụ thể ra sao, cách xử lý như thế nào, nguyên liệu chế biến có ổn định không, tiềm năng mà HTX chế biến ra những sản phẩm gì? Có đáp ứng được nhu cầu thị trường không?... Đó là hàng loạt dữ liệu cần giải quyết.
Chính vì vậy, muốn thu hút nông dân, HTX đầu tư cho chế biến, cơ quan quản lý cần hỗ trợ người dân trong xây dựng dữ liệu thông tin ngành một cách cụ thể để người dân thuận lợi trong đầu tư, có phương hướng cụ thể trong chế biến.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay, xã hội phát triển, công nghệ thông tin rộng mở nhưng đó lại chính là trở ngại đối với không ít nông dân, HTX trong việc lựa chọn công nghệ chế biến. Vì thị trường càng rộng, càng nhiều máy móc hiện đại, HTX lại càng khó lựa chọn công nghệ, máy móc. Nhất là nhiều công nghệ thay đổi liên tục, nay có thể là công nghệ mới nhưng ngày mai đã là công nghệ cũ. Chính vì vậy, cần loại bỏ vấn đề nhập khẩu máy móc theo kiểu “cũ người, mới ta” đã diễn ra nhiều năm nay.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, sản xuất thô chỉ tạo 15%-20% giá trị, phần giá trị còn lại nằm ở những khâu khác như chế biến, thương mại… Vì vậy, sản xuất tuần hoàn, chế biến sâu là hướng đi tất yếu. Nhưng để nâng cao giá trị thông qua chế biến, chính sách hỗ trợ HTX về vốn, lãi suất, quy hoạch vùng nguyên liệu xuất khẩu, đất đai đầu tư nhà xưởng cần được tháo gỡ.
Hiện, nhiều địa phương đã đẩy mạnh nguồn vốn khuyến công cho HTX vay để đầu tư máy móc, công nghệ sơ chế, chế biến nông sản. Đây được coi là nguồn vốn mồi hiệu quả (vì vẫn cần HTX có vốn đối ứng) hỗ trợ một phần kinh phí để HTX đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến.
Tuy nhiên, theo các HTX điều này chỉ phù hợp với những HTX có tiềm năng, có lợi thế nhất định về vốn, quy trình sản xuất. Để chế biến nông sản hiệu quả, các HTX cần kết hợp với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, lâu dài. Vốn đầu tư cho xây dựng nhà xưởng chế biến rau quả, nông sản rất lớn, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng, nên ngoài các nguồn vốn hỗ trợ theo hình thức đối ứng, các cơ quan chức năng cần có chính sách phù hợp, ưu tiên cho HTX, doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản về thời gian vay, trả vốn, lãi suất vay một cách hợp lý để đầu tư mở rộng quy mô và công nghệ chế biến.
Huyền Trang