Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất xuất thông minh chắc chắn là con đường mà người dân HTX phải đi. Nhất là những HTX đang hình thành ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp, những thành phố lớn.Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp các HTX, người dân tận dụng các cơ hội trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều thách thức
TS Nguyễn Thị Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam) cho biết, ứng dụng công nghệ cao không chỉ dừng ở việc đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng các app, mà là cả một quá trình từ ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động… nhằm bảo đảm từ đầu vào đến đầu ra của quy trình sản xuất.
Chính vì vậy, để thu được kết quả cao, hoàn thiện một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi người dân, HTX cần có nguồn chi phí tương đối lớn nhằm từng bước tự động hóa, khép kín quy trình sản xuất để hạn chế sức người nhưng mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế, môi trường, xã hội.
Theo các chuyên gia, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn đòi hỏi nguồn vốn lớn. Một trang trại, dự án nông nghiệp công nghệ cao có thể cần khoản đầu tư cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc (TP HCM) chia sẻ, chi phí đầu tư và vận hành các thiết bị công nghệ cao rất đắt đỏ. Muốn đầu tư trồng rau thủy canh, HTX phải có nguồn vốn khá cao, khoảng 1 tỷ đồng/1.000m2.
Muốn có nông nghiệp thông minh, trước tiên cần có nông dân thông minh. |
Việc đầu tư lớn chắc chắn sẽ đi đôi với áp lực của sự hiệu quả, thành công của mỗi mô hình đầu tư. Bởi thực tế đã có những HTX ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn bị “trắng tay” và phải chịu thêm nhiều khoản nợ do bị tác động nặng nề từ bão, lũ. Và thách thức về đầu ra, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cùng là khó khăn với không ít HTX hiện nay.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi số vào nông nghiệp cũng buộc các thành viên HTX phải thay đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại. Điều này có nghĩa là họ phải thiết lập lại quy trình từ kế hoạch sản xuất, quản lý và giám sát, nhân lực. Trong khi những điều này đều rất khó với những HTX quy mô lớn, cán bộ quản lý lớn tuổi… Đặc biệt, nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất dồi dào nên nhiều chủ trang trại vẫn chưa thực sự muốn đầu tư máy móc, công nghệ, nhất là ở vùng núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần có nông dân thông minh
Thực tế cho thấy, làm nông nghiệp công nghệ cao không hề dễ dàng đối với các HTX, trong khi đây là vấn đề mới, đòi hỏi nhiều yêu cầu, điều kiện đi kèm. Nhưng xét trên bình diện vĩ mô, nông nghiệp vẫn là trụ cột kinh tế quốc gia. Nhất là thời gian dịch Covid-19 bùng phát, đã có nhiều người trẻ, có tri thức quay lại làm nông nghiệp. Đây là bước đệm để thay đổi không khí sản xuất trong ngành nông nghiệp, tiếp tục thổi làn gió mới cho người dân ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
Kinh nghiệm từ nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cho thấy thời gian đầu, người dân, HTX của các nước thực hiện chuyển đổi số, làm nông nghiệp thông minh cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là để chuyển đổi số, các thành viên HTX ở các nước này phải trở thành những nông dân thông minh. Khi đó, họ sẽ biết mình cần đầu tư những gì cho phù hợp thay vì chỉ làm theo ý thích, theo phong trào.
Để có được những nông dân, thành viên HTX thông minh, các ngành chức năng cần nắm bắt được tiềm năng của họ để xây dựng kế hoạch đào tạo, mở rộng cơ hội trong hợp tác tác nghiên cứu và đầu tư một cách phù hợp. Cụ thể như để người dân, thành viên HTX có thể làm chủ khoa học kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần xác định rõ lợi thế của người dân, HTX ở mỗi địa phương nhằm áp dụng kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng mô hình sản xuất.
Ông Lâm Ngọc Tuấn cho biết, khi thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thành viên, người dân phải có kiến thức chuyên sâu về máy móc, tự động hóa, thị trường... Thế hệ nông dân hiện đại cần áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc nâng cấp sản phẩm phù hợp với thị trường thế giới thì mới mang lại hiệu quả trong sản xuất. Muốn vậy, người dân và thành viên HTX cần được trang bị các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn để trở thành chính chuyên gia trong mô hình sản xuất công nghệ cao của mình.
Theo các chuyên gia, ở các nước hiện nay vẫn có rất nhiều khóa đào tạo, kỳ thi ngắn hạn, cấp chứng chỉ để kiểm định và bồi dưỡng khả năng hành nghề của những người làm nông nghiệp. Điều này tưởng chừng như khắt khe bởi nông nghiệp vốn có từ nghìn đời, chủ yếu sản xuất theo hình thức truyền kinh nghiệm. Tuy nhiên, nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao trong thời đại 4.0 đòi hỏi người dân, thành viên HTX phải có nhiều kỹ năng, tri thức hơn là chỉ dừng ở kinh nghiệm.
Để bán hàng được trên các sàn thương mại một cách hiệu quả, các HTX, doanh nghiệp đều được khuyến khích là nên đầu tư làm các video giới thiệu quy trình sản xuất, về sản phẩm để dễ dàng thu hút, thuyết phục khách hàng, nhất là những khách hàng nước ngoài. Và để làm được điều này, chắc chắn khi trải qua các lớp đào tạo chuyên nghiệp, được cấp chứng chỉ sẽ giúp nông dân, thành viên HTX tự tin hơn, dễ dàng làm được những video hấp dẫn.
Thực tế hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đã kết hợp với một số bộ ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử… nhằm hỗ trợ đào tạo người dân, HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các bộ ngành, trường, viện… để tạo ra một chuỗi đào tạo, hỗ trợ người dân, thành viên HTX một cách bài bản, chuyên nghiệp. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp các HTX nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung bắt kịp với "con tàu" 4.0.
Huyền Trang