Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự trực tuyến có khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu, bao gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Tham gia trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, về phía Việt Nam có 150 đại biểu, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, viện nghiên cứu, Đại sứ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, một số trường đại học, trường nghề, các hiệp hội và các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động trên toàn thế giới, tức 81% lao động toàn cầu. Đặc biệt, vào quý II năm nay, thế giới đã có 480 triệu việc làm bị mất, con số này ở khu vực ASEAN là trên 42 triệu.
Đối với các nước châu Á, khuyến khích tư duy đổi mới mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống là vô cùng quan trọng. Bên cạnh giáo dục trong nhà trường, giáo dục định hướng học tập suốt đời, phổ biến tri thức cho mọi người dân để tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đều có thể tiếp cận nhanh và tham gia cuộc cách mạng 4.0. Không chỉ có giáo dục đào tạo mà tất cả các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng cần được thay đổi. Bên cạnh những cơ chế truyền thống thì thêm những cơ chế để tất cả những người lao động đều có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ tự mình cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tham dự Hội nghị. |
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Chúng ta đang sống và làm việc trong một thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang có tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của tất cả các nước. Ứng dụng công nghệ và số hóa là nhân tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới.
Việt Nam đã chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển của Cộng đồng Kinh tế, tăng cường khả năng chủ động thích ứng của ASEAN”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trên chặng đường chuyển đổi sang nền kinh tế số, việc cải tổ kỹ năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất cần thiết để hướng tới cạnh tranh và năng suất. Phát triển nguồn nhân lực là sự đầu tư dài hạn quan trọng nhất hướng tới viễn cảnh phát triển bền vững của khu vực vì một tương lai chung.
Thành công của một nền giáo dục không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của người học hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của người lao động”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Phải) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (trái) thảo luận với các đại biểu quốc tế. |
Trong phiên đặc biệt, các Bộ trưởng Lao động ASEAN và các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN đã thông qua Lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông H.E.Isidro Lapena, Tổng Thư ký kiêm Giám đốc TESDA Philipines, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN khẳng định: "Việc chúng ta ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN (TVET ASEAN) là một trong những nội dung hợp tác quan trọng của ASEAN trong giáo dục đào tạo, hướng tới phát triển nguồn nhân lực trong khu vực ASEAN. Đây cũng là khẳng định, ghi nhận, hỗ trợ của tất cả các thành viên trong khu vực ASEAN trong việc hợp tác để phát triển kinh tế-xã hội.
Việc chúng ta có thể tiếp cận được các công nghệ thông minh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết những thách thức khác nhau. TVET được hình thành để giáo dục, tạo việc làm và cơ hội việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề cấp bách trong phát triển nguồn nhân lực cho ASEAN. Đây cũng là định hướng của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN. TVET ASEAN sẽ tăng cường quan hệ đối tác, hợp tác để đảm bảo và tăng cường cho nguồn nhân lực ASEAN, sẵn sàng cho tương lai”.
Ông H.E.Isidro Lapena, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN phát biểu. |
Với chương trình nghị sự bao quát và sự tham gia đông đảo của các đối tác, đặc biệt là thông qua Lộ trình thực hiện Tuyên bố của ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực sẽ thêm một bước để cụ thể hóa, hiện thực hóa những cam kết chiến lược của ASEAN. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. Việt Nam sẽ cam kết sẽ luôn tích cực phối hợp chặt chẽ với các thành viên, các đối tác trong việc thực hiện lộ trình này để biến những cam kết chính trị thành hiện thực, để nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho Cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng”.
Hội nghị diễn ra với 4 phiên thảo luận chủ đề bao gồm: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của Thế kỷ 21.
Các chủ đề được chia sẻ thông qua chia sẻ ngắn của các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, đại diện cấp cao của Tổ chức ILO, Tổ chức UNESCO, Chủ tịch ABAC, lãnh đạo Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức. Các Bộ trưởng/Trưởng đại diện đã chia sẻ thông tin về các chính sách, sáng kiến, thành tựu trong việc thúc đẩy các nội dung hợp tác về phát triển nguồn nhân lực tương ứng với nội dung của từng chủ đề.
Các đại biểu quốc tế thảo luận về vấn đề phát triển nhân lực cho khu vực ASEAN Đầu cầu Hà Nội có 150 đại biểu tham gia Hội nghị. |
Hội nghị sẽ là điểm nhấn về hợp tác liên ngành, liên chính phủ và là cơ hội không chỉ đối với Việt Nam mà đối với ASEAN, nhằm tranh thủ hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, kết nối giáo dục đào tạo kỹ năng với các yêu cầu của thị trường lao động, góp phần triển khai đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.
Xuân Mai