So với Luật HTX năm 2012 hiện hành, dự thảo sửa đổi Luật HTX đã bổ sung thêm một số nội dung về tổ hợp tác như: khái niệm, quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác; các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của thành viên, về đăng ký, chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác.
Băn khoăn vấn đề tư cách pháp nhân
Dự thảo Luật HTX cũng có quy định tăng số lượng thành viên tổ hợp tác tối thiểu từ 2 lên 3 thành viên. Bổ sung quy định đối với tổ hợp tác có người đại diện, có thời gian hợp tác từ 6 tháng hoặc có góp vốn, tài sản thì tổ hợp tác phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để Nhà nước quản lý, hỗ trợ, định hướng phát triển tổ hợp tác lên tổ chức cao hơn.
Ngoài ra, Dự thảo Luật HTX cũng quy định điều kiện thành viên tham gia tổ hợp tác phải từ 15 tuổi trở lên và bổ sung quy định tổ hợp tác có thể được phép chuyển đổi thành HTX.
Có thể thấy, những điều này phần nào thừa nhận vai trò của loại hình tổ hợp tác khi cũng là một trong những tổ chức kinh tế tập thể theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW nêu ra.
Tuy nhiên, ông Hữu Sung, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thành Đạt (Thới Bình, Cà Mau) cho biết dù đã bổ sung một số quy định nhưng có một điều đó là dự thảo Luật HTX sửa đổi vẫn nêu “tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân”.
Trong khi hầu hết các tổ hợp tác hiện nay rất quan tâm đến điều này vì họ hoạt động trên tinh thần hỗ trợ thành viên sản xuất, kinh doanh. Nhiều tổ hợp tác cũng rất muốn ký hợp đồng, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp theo hướng lâu dài để tạo điều kiện cho thành viên phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng khi không có tư cách pháp nhân rõ ràng, các tổ hợp tác rất khó làm việc, ký hợp đồng với các doanh nghiệp, tổ chức...
“Nếu còn tình trạng này xảy ra thì rất khó kích thích tính sáng tạo của các thành viên trong tổ hợp tác, đồng thời khiến các tổ hợp tác vuột mất các cơ hội của thị trường”, ông Sung nói.
Nhiều HTX hoạt động hiệu quả nhờ đi lên từ tổ hợp tác. |
Bên cạnh đó, hiện dự thảo Luật HTX sửa đổi đã quy định cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể trở thành thành viên tổ hợp tác. Tuy nhiên, nhiều tổ hợp tác cho rằng, quy định như vậy còn chưa rõ ràng vì đồng nghĩa với việc cá nhân từ 15-18 tuổi không được tham gia thành lập, quản lý tổ hợp tác.
Điều này đó hạn chế quyền của các thành viên trong độ tuổi này. Bởi kinh tế tập thể nói chung, tổ hợp tác nói riêng không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác.
Quy định còn mờ nhạt
Tổ hợp tác vẫn được đánh giá là mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng nông thôn. Nhưng do thời gian qua, các quy định về tổ hợp tác, nhất là quy định trong Luật HTX năm 2012 còn lỏng lẻo nên chưa thu hút người dân tham gia mô hình này và cũng chưa tạo điều kiện cho mô hình này khẳng định vai trò, vị thế trong nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, việc chưa quy định tính pháp nhân cho tổ hợp tác càng khiến công tác quản lý của Nhà nước gặp nhiều khó khăn và khiến mô hình này khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.
Hiện, trong Điều 109 của dự thảo Luật HTX sửa đổi nêu rằng tiêu chí để các mô hình kinh tế tập thể được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ là phải có tư cách pháp nhân. Quy định này đồng nghĩa với việc loại bỏ tổ hợp tác ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ.
Chính vì vậy, ngoài việc xem xét để khẳng định tính pháp nhân, trong dự thảo Luật HTX sửa đổi cần có các quy định nhằm khuyến khích tổ hợp tác phát triển cũng như có các lộ trình, cách thức để chuyển từ tổ hợp tác sang HTX.
Giám đốc Học viện Phụ nữ việt Nam, PGS.TS Trần Quang Tiến cho rằng việc bổ sung các quy định về tổ hợp tác trong Luật HTX là cần thiết nhưng cần phải bổ sung các quy định về thời gian sau khi tổ hợp tác hoạt động buộc phải chuyển đổi sang mô hình HTX nhằm phát triển quy mô, mở rộng phạm vi của khu vực kinh tế tập thể. Nếu có các quy định rõ ràng, việc thành lập HTX cũng giản tiện hơn.
Trong khi đó, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, dự thảo Luật HTX hiện nay tuy đã có thêm những quy định về tổ hợp tác nhưng vẫn còn chưa cụ thể, mờ nhạt. Các quy định mới tập trung vào các vấn đề thành viên, đăng ký… mà chưa đi sâu vào những chính sách hỗ trợ cho mô hình này, trong khi đây là vấn đề khúc mắc trong nhiều năm qua.
Hiện nay, khi đa số hộ dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kém phát triển lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt thì việc liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất giữa các thành viên trong tổ hợp tác rất quan trọng, giúp người dân tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho phát triển hàng hóa quy mô lớn.
Nhưng điều cần lưu tâm là tổ hợp tác là mô hình cấp thấp của khu vực kinh tế tập thể. Chính vì vậy mà các quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng. “Nếu các quy định còn chồng chéo, phức tạp thì nông dân sẽ lựa chọn hình thức tổ chức kinh tế khác như các hội quán, nhóm sở thích, câu lạc bộ… để tham gia”, GS.TS Trần Đức Viên chia sẻ .
Ông Hữu Sung cho rằng ngay quy định việc bắt buộc khi thành lập tổ hợp tác phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là rất hình thức và phức tạp, bởi mô hình này vốn dĩ đang phù hợp với người dân ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Trong thực tế hiện nay có thể thấy, để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, bên cạnh việc phát triển mô hình HTX và các liên hiệp HTX, trong quá trình sửa đổi Luật HTX lần này, rất cần chú ý đến các quy định để khuyến khích mô hình tổ hợp tác phát triển và thu hút hộ cá thể tham gia. Bởi tổ hợp tác chính là nguồn để phát triển lên HTX và đảm bảo cho mục tiêu đến 2025, cả nước có 35.000 HTX.
Huyền Trang