Thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị và nhất là triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thi hành Luật HTX 2012, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động, tích cực phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành đi khảo sát, tham mưu, kiến nghị kiện toàn cơ chế chính sách HTX, đồng thời tổ chức các sự kiện truyền thông báo chí tạo chuyển biến nhận thức xã hội nhằm củng cố và phát triển HTX.
Băn khoăn trước những tồn tại
Gần một năm triển khai Chỉ thị 19, với chức năng tổ chức đại diện HTX, hệ thống Liên minh HTX các cấp đã nỗ lực cải cách lề lối hoạt động và nâng cao chất lượng tham mưu, tư vấn hỗ trợ HTX.
Đáng kể nhất, Liên minh HTX Việt Nam chủ động thành lập các đoàn công tác, mời các bộ, ngành, các đoàn thể thành viên MTTQ Việt Nam và các cơ quan báo chí trực tiếp cùng đi khảo sát, làm việc với 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm thúc đẩy phát triển HTX phù hợp điều kiện từng địa phương…
Dù vậy, theo Báo cáo số 400 ngày 1/6/2016 của Liên minh HTX Việt Nam, khu vực HTX đến nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, bởi hành lang pháp lý chưa chuẩn mực, tách rời, bó hẹp và kìm hãm động lực phát triển. Đặc biệt, hệ thống cơ chế, chính sách HTX vừa chậm, vừa thiếu, chưa tạo động lực xã hội ưu tiên phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Những tồn tại cụ thể ở Trung ương, theo Báo cáo 400 nêu trên, Bộ KH&ĐT với trách nhiệm “đầu mối” quản lý nhà nước về HTX, nhưng vẫn chưa làm triệt để tinh thần Kết luận 56, chưa ra chính sách cụ thể ưu đãi HTX theo Nghị định 193 về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật HTX 2012. Các bộ liên quan khác, như Tài chính, NN&PTNT, KH&CN, Nội vụ, TN&MT… còn chậm triển khai nội dung Kết luận 56, chậm ra thông tư và các văn bản hướng dẫn pháp luật về HTX.
Trả lời báo chí, Chủ tịch Võ Kim Cự tỏ rõ sự băn khoăn trước thực trạng Luật HTX 2012 chậm đi vào cuộc sống, đồng thời cho rằng nguyên nhân trước hết là do sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương thiếu sâu sát, thiếu cụ thể, thậm chí nhiều nơi còn buông lỏng quản lý HTX, chưa dành thời gian thỏa đáng để giải quyết những vướng mắc của các HTX. Hệ lụy rõ nhất do thực thi Luật HTX 2012 không đạt yêu cầu đã làm chậm tiến độ, làm giảm chất lượng chuyển đổi HTX theo Luật. Tuy chưa có tổng hợp chính thức, nhưng hiện nay, kết quả chuyển đổi HTX ở nhiều tỉnh, thành phố đều đạt tỷ lệ thấp. Đáng nói, ở nhiều địa phương còn số lượng lớn HTX không thể tổ chức lại, hoặc không theo kịp tiến độ chuyển đổi, trong khi đến thời điểm này, các HTX chỉ còn chưa đầy một tháng để phải hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX 2012 (trước ngày 1/7/2016).
Chủ tịch Võ Kim Cự: HTX hiện rất cần “liều thuốc” đặc biệt
Giải pháp xử lý HTX chậm chuyển đổi
Về giải pháp cấp bách chuyển đổi HTX theo Luật, Chủ tịch Võ Kim Cự nhấn mạnh: Liên minh HTX Việt Nam đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương lúc này phải chỉ đạo rà soát phân nhóm HTX để tổ chức lại. Cụ thể, với nhóm HTX không vướng các quy định pháp luật, hoạt động phù hợp tiêu chí HTX thì cho làm thủ tục kịp thời chuyển đổi. Với nhóm HTX còn vướng mắc vài ba điểm về thủ tục, thành viên... có thể xử lý được, thì tập trung và linh hoạt tháo gỡ. Với nhóm HTX không thể tổ chức lại, thì buộc áp dụng giải thể, hoặc phải có giải pháp khác mạnh hơn.
Theo đề nghị của Liên minh HTX Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương cần tham mưu có hướng dẫn cụ thể xử lý phù hợp với từng đối tượng HTX. Nếu không “cứu” HTX sẽ kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đời sống, việc làm của người dân. Nếu xử lý tốt chuyển đổi HTX, sẽ tạo động lực phát triển HTX kiểu mới.
Chủ tịch Võ Kim Cự lý giải: “Thực trạng HTX “ốm yếu” toàn diện cũng dễ hiểu. Vì HTX không được chăm sóc đầy đủ, hiện rất cần “liều thuốc” đặc biệt, nếu không HTX “ốm nặng” hơn, sẽ không biết đi đâu, về đâu. Khu vực HTX quan trọng bởi liên quan đến 30 triệu người dân, bằng 1/3 dân số đất nước. Thế nên, Liên minh HTX Việt Nam hy vọng cả hệ thống chính trị cần quan tâm hơn để vực dậy kinh tế hợp tác và HTX, thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng XII, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển đất nước bền vững...”.
Lưu Đoàn