Theo báo cáo của UBND huyện Lạng Giang, đến nay, trên địa bàn huyện có 38 HTX, tổ chức hoạt động các dịch vụ như thủy nông, cung ứng giống vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tín dụng nội bộ, quản lý chợ…
Nhìn chung, các HTX và tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện hoạt động khá ổn định, đáp ứng nhu cầu của nông dân và thúc đẩy kinh thế hộ phát triển.
Đáp ứng nhu cầu của nông dân
Huyện xác định phát triển sản xuất nấm là hướng đi đúng và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tổng doanh thu bình quân các loại nấm mỗi năm đạt khoảng 22 tỷ đồng.
Thông qua sản xuất nấm đã thu hút gần 300 hộ dân tham gia, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông nhàn nông thôn, tăng thu nhập cho kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo; đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm rau sạch an toàn, bổ dưỡng, hạn chế việc đốt rơm rạ, tích cực bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra loại phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng.
Tại buổi làm việc, đại diện các HTX kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm hướng dẫn tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về vốn để thông qua HTX triển khai các chương trình, chính sách phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, giúp các cơ sở kinh tế nhỏ, cá thể, tiểu chủ nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
Phát biểu trong buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đặt nhiều câu hỏi với huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đó là: Sau 3 năm triển khai Luật HTX 2012, các hoạt động của HTX ở Lạng Giang có gì thay đổi? Với quy mô HTX có hàng ngàn hội viên, khi thu hẹp quy mô các HTX nông nghiệp kiểu mới thì địa phương sẽ làm gì?
Gs.Ts. Nguyễn Thiện Nhân thăm mô hình trồng nấm của HTX nông nghiệp Hương Sơn, Lạng Giang
Địa phương sẽ làm gì?
Gs.Ts. Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh Bắc Giang bàn hướng phát triển những sản phẩm chủ lực, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào, giúp nông dân ổn định sản xuất. Đồng thời, lưu ý tỉnh Bắc Giang cần tổ chức hội nghị chuyên đề, bằng chính mô hình các HTX hiện có; nâng cao năng lực quản lý HTX, trong đó tuyển cán bộ có khả năng nghiên cứu thị trường để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
“Tỉnh Bắc Giang, huyện Lạng Giang cần tổ chức khảo sát toàn diện về tình hình HTX ở quy mô toàn tỉnh để thấy hiện trạng HTX của Bắc Giang. HTX là nhu cầu của nông dân vì từng hộ không tự lo được, chính quyền cũng không thể lo đời sống của từng hộ, mà từng hộ phải cố gắng và nơi gắn bó chính quyền và nhân dân chính là HTX”, Gs.Ts. Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Gs.Ts. Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm HTX nông nghiệp Hương Sơn và Hội Sản xuất nấm Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
HTX nông nghiệp Hương Sơn được thành lập tháng 3/1998, là HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX. Hiện, HTX có 2.696 thành viên. HTX lựa chọn kinh doanh các ngành nghề dịch vụ thủy nông; bán lẻ điện nông thôn; khuyến nông, cung ứng vật tư nông nghiệp; tiêu thụ nông sản chế biến xuất khẩu. Phạm vi hoạt động theo mô hình toàn xã, quản lý kinh doanh dịch vụ tới 24 thôn và trên 3.000 khách hàng sử dụng điện của 16 trạm biến áp. HTX cam kết cung ứng tiêu thụ cho các thành viên đạt trên 70% tổng giá trị cung ứng sản phẩm dịch vụ của HTX.
Hội Sản xuất nấm Tiên Lục được thành lập năm 2014, đến nay đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Tính đến tháng 2/2015, toàn huyện có 115 hộ tham gia sản xuất nấm. Hội đã tạo việc làm cho khoảng từ 400 - 500 lao động có việc làm thường xuyên.
Nhiều hộ gia đình sản xuất nấm trên địa bàn cho hiệu quả, các hộ sản xuất cơ bản được tập huấn kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm sản xuất nấm. Sản phẩm của hội sản xuất ra chủ yếu tự tiêu thụ qua thương lái, bán ở chợ và nhà hàng. Hầu hết sản phẩm tiêu thụ không qua chế biến, giá bán khá ổn định và thị trường tiêu thụ thuận lợi.
P.V