Trước khi tiếp cận với sản xuất hữu cơ, người dân xã Đồng Phú chủ yếu gieo cấy các giống lúa thuần, lúa lai, với hàm lượng khoa học - kỹ thuật thấp, nên giá trị thu nhập không cao, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, các tiêu chuẩn về an toàn lao động (ATLĐ) chưa được bảo đảm.
Năm 2012, Đồng Phú được tiếp cận với dự án PAMSI (sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ) của tổ chức JICA (Nhật Bản). Dưới sự dẫn dắt của HTX Đồng Phú, dự án được triển khai thử nghiệm trên diện tích 5 ha, sau đó nhanh chóng được mở rộng lên hơn 20 ha/vụ và liên tục gặt hái những thành công.
Dẫn dắt sản xuất
Bà Trịnh Thị Nguyệt - Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Phú, cho biết: “Quá trình chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ là một cuộc “cách mạng” trong tư duy và trở thành bước ngoặt thay đổi đời sống của thành viên HTX và người dân trên địa bàn”.
Với sản xuất hữu cơ, quy trình canh tác lúa của HTX được siết chặt, các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học bị loại bỏ để thay bằng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, lân nung chảy, vôi bột; sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng…
Các tiêu chuẩn về ATLĐ được HTX đặc biệt chú trọng. Hiện, HTX đang có đội ngũ kỹ thuật viên giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời nhu cầu về kỹ thuật, sửa chữa, bảo trì máy móc, nông cụ… của thành viên, bảo đảm hoạt động sản xuất phát huy hiệu quả và tính an toàn cao nhất.
Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc, công nghệ mới vào sản xuất, các buổi tập huấn về ATLĐ, nâng cao kỹ thuật, trình độ canh tác, sử dụng trang thiết bị, phân bón, thuốc trừ sâu an toàn được HTX tổ chức định kỳ cho thành viên, người lao động và các hộ dân tại địa phương.
Đơn cử, khi đưa các loại máy móc vào sử dụng, HTX tổ chức hướng dẫn cho thành viên về phương pháp vận hành, quy định về ATLĐ, đồng thời, thường xuyên mở các khóa tập huấn nâng cao trình độ, ý thức trong quá trình sử dụng.
Nhờ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, năng suất, chất lượng và mẫu mã các sản phẩm gạo của HTX Đồng Phú ngày càng được nâng cao. Vụ Xuân năm 2019, năng suất lúa của HTX đạt bình quân 1,7 - 2 tạ/sào, hạt gạo có hình thức đẹp, vị thơm, được thị trường đánh giá cao về chất lượng.
Gạo hữu cơ của HTX đang hướng tới thị trường Hoa Kỳ |
Khơi thông thị trường
Không chỉ hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX cũng đang làm rất tốt công tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Trong giai đoạn 2012 - 2018, 100% sản phẩm của thành viên HTX và người dân được dự án PAMSI hỗ trợ đầu ra với mức giá cao và ổn định.
Kể từ năm 2019, khi dự án của JICA kết thúc, HTX chủ động liên kết với công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam để triển khai mô hình sản xuất lúa Japonica hữu cơ. Liên kết với doanh nghiệp giúp HTX giải quyết bài toán tiêu thụ, đồng thời, mang lại nhiều lợi ích khác cho nông dân trong quá trình sản xuất.
Điển hình, sau khi thu hoạch, người dân không phải tự phơi, bảo quản sản phẩm, mà được doanh nghiệp trực tiếp thu mua tại ruộng, đưa đi sấy khô trong vòng 24 giờ. Vấn đề mẫu mã, bao bì, dán tem truy xuất, tiếp cận thị trường… của thành viên HTX cũng được phía doanh nghiệp hỗ trợ.
“Riêng vụ Xuân 2019, sau khi trừ chi phí, người sản xuất thu lãi 28 - 30 triệu đồng/ha. Để có được những thành công trong thời gian qua, HTX đã nỗ lực xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ lúa an toàn, vừa hoàn thiện quy trình sản xuất sạch, bảo đảm ATLĐ, vừa chủ động trong tìm kiếm, mở rộng thị trường”, Giám đốc Trịnh Thị Nguyệt cho hay.
Trong vụ Mùa 2019, HTX dự kiến phối hợp với phía doanh nghiệp triển khai sản xuất 45 ha lúa hữu cơ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2020, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết, mở rộng diện tích, tăng cường công tác quản lý vùng trồng, chế biến, bảo quản quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ.
Hưng Nguyên