HTX đang thành công nhờ liên kết trồng lúa hữu cơ |
Hưởng lợi từ mô hình CSA
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ chú trọng bảo vệ môi trường được HTX Phước Thị chính thức đưa vào triển khai từ vụ Hè Thu năm 2018 sau thời gian dài thử nghiệm, tổng diện tích sản xuất trên 20 ha.
Ông Nguyễn Giang – Giám đốc HTX, cho biết để nâng cao năng lực sản xuất cho thành viên, HTX đã tích cực vận động để tham gia mô hình ứng dụng thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) của tỉnh Quảng Trị.
Việc tham gia mô hình CSA giúp thành viên HTX được hưởng hàng loạt lợi ích. Đơn cử, thành viên HTX được tạo điều kiện để tìm hiểu, tham gia chương trình “3 giảm 3 tăng” (ICM) trên cây lúa; tham quan các mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Các khóa tập huấn góp phần nâng cao năng lực, nhận thức cho thành viên HTX về mối quan hệ giữa phân bón, dịch hại và khả năng sinh trưởng cây trồng, từ đó sử dụng lượng giống hợp lí, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển khỏe, tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thành viên HTX cũng được tập huấn kĩ thuật sử dụng chế phẩm Trichoderma để xử lí rơm rạ trên ruộng và phụ phẩm làm phân bón hữu cơ vi sinh; kĩ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa theo kĩ thuật khô ướt xen kẽ; tập huấn nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính và các giải pháp canh tác bền vững nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lúa hữu cơ mang đến lợi ích kép về kinh tế, môi trường |
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết
Giám đốc HTX Nguyễn Giang nhận định: “Nhờ tham gia CSA, thành viên của HTX đã trở thành chuyên gia đồng ruộng, biết chọn giống tốt, phù hợp với điều kiện địa phương, chọn cây khỏe, đủ tiêu chuẩn, trồng, chăm sóc đúng kĩ thuật để cây sinh trưởng tốt có sức chống chịu và cho năng suất cao”.
Hiện, 100% thành viên HTX đã có kĩ năng quản lí đồng ruộng, biết cách sử dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp tuỳ theo mức độ sâu bệnh, thiên địch kí sinh ở từng giai đoạn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lí và đúng kĩ thuật; bảo vệ thiên địch, bảo vệ những sinh vật có ích, giúp giảm thiểu dịch hại, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, HTX Phước Thị đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn để thúc đẩy sản xuất chuỗi, mở cửa thị trường, nâng cao giá bán sản phẩm cho thành viên, nông dân liên kết.
Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ giúp thành viên HTX nhận thêm rất nhiều lợi ích. Đơn cử, các hộ đã có sự chủ động để sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thực hiện đúng cam kết về kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm và không phải lo tìm đầu ra sản phẩm.
Nhờ sản xuất khoa học, các diện tích lúa sạch của HTX có năng suất bình quân 5,5 – 6 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 7 – 7,5 tấn/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận bình quân đạt 35 - 37 triệu đồng/ha...
Trong năm 2019, HTX cũng dần hoàn thiện kế hoạch liên kết mở rộng diện tích lúa hữu cơ lên 50 ha, với khoảng 115 hộ thành viên tham gia.
“Mô hình trồng lúa hữu cơ đang cho thấy những ưu điểm vượt trội, không chỉ mở ra cơ hội cho thành viên HTX mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm mô trường, mang đến nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường. Đây sẽ tiếp tục là hướng đi xuyên xuốt của HTX trong thời gian tới”, Giám đốc Nguyễn Giang nói.
Hưng Nguyên