Nếu như năm 2023, HTX Vận tải Thanh Hà (Đắk Lắk) ký hợp đồng thuê 250 xe ô tô điện VinFast VF e34 và VF8 Eco từ Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) để cung cấp dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Đắk Lắk, thì mới đây, một mô hình kinh tế tập thể khác là HTX Vận tải Taxi Hương Giang (Bắc Giang) cũng đã ký hợp đồng mua và thuê 300 xe VinFast VF 5 Plus đến hết năm 2025. Trong đó, 60 xe đã được bàn giao ngay để HTX phục vụ nhu cầu di chuyển tăng cao trong mùa hè.
Hợp xu hướng
Có thể thấy, không chỉ các doanh nghiệp mà các HTX vận tải với bề dày và quy mô rộng lớn, có định hướng phát triển bền vững đã không ngại đầu tư xe điện để tối ưu hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là nâng chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng.
Theo tính toán của HTX Hương Giang, số tiền bỏ ra để vận hành xe điện trên cùng một km chỉ bằng khoảng ½ so với xe xăng (khoảng 600-700 đồng/km), từ đó xét về lâu dài sẽ giúp HTX tiết kiệm chi phí khá lớn.
HTX Vận tải Thanh Hà (Đắk Lắk) đang hoạt động khá hiệu quả sau khi thuê xe điện. |
Ngành vận tải nói chung, lĩnh vực taxi nói riêng cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư xe điện từ 1-2 năm về trước nên hút khách hơn. Giao thông cũng là một lĩnh vực quan trọng, tác động trực tiếp đến việc thay đổi và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch của người dân. Do đó, nếu có điều kiện đầu tư xe điện là một hướng đi phù hợp cho các HTX.
Đặc biệt, hướng đến thị trường trao đổi tín chỉ các-bon, đơn vị vận tải nào chuyển đổi sang xe điện thì sẽ được hưởng lợi. Các HTX, doanh nghiệp chạy xe xăng dầu sẽ phải bỏ tiền ra mua tín chỉ các-bon. HTX nào có 100% xe điện sẽ được một khoản thu từ đơn vị không chuyển đổi. Và khi dùng không hết hạn ngạch, HTX có thể bán ra ngoài.
Theo thống kê của Bộ GTVT, đến hết năm 2023, trong lĩnh vực giao thông vận tải, cả nước có 1.783 HTX (đường bộ có 1.568 HTX, hàng hải có 3 HTX, đường thủy nội địa có 212 HTX). Khi các HTX chuyển đổi sang dùng xe điện sẽ góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện các tiêu chí về chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.
Vẫn còn rào cản chính sách?
Bên cạnh những HTX đã chuyển đổi sang sử dụng xe điện thì với nhiều lý do khác nhau, có những HTX vẫn chưa thể chuyển đổi sang loại hình xe này. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Giám đốc HTX Vận tải Thương mại Dịch vụ Du lịch Sen Việt (TP HCM), cho biết thực tế xe gia đình đang rất nhiều, cạnh tranh trong ngành rất lớn. Nhiều lái xe là thành viên HTX cũng khó trụ được nên việc lấy tiền đâu để đầu tư cho việc chuyển đổi phương tiện chính là vấn đề đặt ra hiện nay.
Trong khi đó, Nhà nước dù đã có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe sử dụng năng lượng sạch nhưng nhìn chung chính sách vẫn chưa mang tính quyết định. Cụ thể là Nhà nước mới chỉ tập trung vào ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe ô tô điện chạy pin. Còn ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và ôtô năng lượng mặt trời vẫn bị bỏ ngỏ.
Do vậy, ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX vận tải TP HCM cho rằng, việc đầu tư xe điện, thậm chí thay thế hoàn toàn hệ thống sang xe dùng nhiên liệu sạch của các HTX phải cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp.
Hiện nay, các nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu… có cuộc cách mạng chuyển đổi sang xe điện thành công một phần là nhờ vào chính sách hỗ trợ người mua, đơn vị mua rất mạnh mẽ bằng tiền. Giai đoạn 2012 – 2022, mỗi người Trung Quốc mua xe điện đều được nhận khoản tiền hoàn trả lên tới 8.300 USD, chưa kể mức trợ thuế. Nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa làm được điều này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang cho biết, qua nghiên cứu có thể thấy, xe điện so với xe xăng về khả năng tiết kiệm nhiên liệu có thế hơn những ngược lại vấn đề chi phí đầu tư ban đầu mới là vướng mắc khiến HTX chưa yên tâm đầu tư xe điện.
Trước những khó khăn của các HTX vận tải cũng như các đơn vị trong ngành nói chung, mới đây, Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4093/VPCP-TH giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để đơn vị vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch.
PGS, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), cho biết các đơn vị vận tải khi thấy được những chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng và sau khi tính toán về chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng phù hợp, đảm bảo thời gian hoàn vốn… sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.
Huyền Trang