Những nghệ nhân luôn trăn trở với việc giữ gìn và phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống. |
"Chẳng biết cái nghề làm gỗ mỹ nghệ có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra thì ở đây đã có nghề chạm khắc gỗ, tạc tượng. Thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau, những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề luôn đau đáu với tình yêu nghề da diết, mong muốn giữ gìn những nét tinh hoa nghề truyền thống của cha ông để lại", một thành viên HTX Vịnh Linh chia sẻ.
Lối đi mới, không “nới cũ”
Đến thăm cơ sở sản xuất của HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh vào sáng sớm, không khí tất bật bao trùm, các công nhân đang vận chuyển hàng ra xe tải để giao cho khách. Trao đổi với phóng viên VnBusiness, anh Nguyễn Văn Vịnh - Giám đốc HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh phấn khởi nói, đây là đơn hàng 1.000 chiếc đồng hồ thành phẩm đang chuẩn bị được giao đến khách “ruột” ở Thái Bình.
HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh đầu tư máy móc để tạo ra những sản phẩm đồ gỗ tinh xảo, như máy cưa, máy xẻ, máy vanh, máy nén khí phun sơn, các loại máy bào, khoan, đục đánh bóng gỗ,... |
“Khi nhận đơn hàng này, tôi khá lo lắng, mặc dù đây là mẫu được khách thường xuyên đặt, nhưng số lượng lớn và thời gian gấp, liệu HTX có thể đáp ứng không? Là khách quen, nên tôi không thể từ chối, tôi cùng các thành viên HTX họp và lên kế hoạch cũng như sắp xếp thời gian rõ ràng để cho công nhân triển khai kịp hẹn, thậm chí làm ngày làm đêm”, anh Vịnh thông tin.
Theo lời kể của anh Vịnh, nắm bắt nhu cầu thị trường trong việc sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để trang trí ngày càng nhiều, từ nguồn lao động có tay nghề và nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, năm 2023, anh Vịnh cùng một số anh em thành lập HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh để tiếp tục phát triển nghề truyền thống với mặt hàng chủ yếu là sản xuất đồng hồ gỗ mỹ nghệ.
Khi mới thành lập (năm 2023), HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kiến thức về thị trường. Hơn nữa, cơ sở sản xuất nhỏ, máy móc thô sơ, chủ yếu làm thủ công nên mẫu mã chưa đẹp, khó cạnh tranh với các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn và gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Ban quản trị đã quyết tâm bằng mọi cách tìm tòi hướng đi, tăng các mối hàng, cùng với đó là nâng cao tay nghề cho các thành viên và người lao động. Đối với người lao động mới, HTX đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, cầm tay chỉ việc theo từng khâu,... Đối với thợ đã có tay nghề, HTX tạo điều kiện để tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại, giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, quy trình sản xuất hiện đại.
Để tạo nên một tổ chức vững mạnh, HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương, cùng nhau phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh; từng bước hiện thực hoá mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công nghệ "nâng tầm" sản phẩm
Song song với đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh đầu tư máy móc để tạo ra những sản phẩm gỗ tinh xảo: máy cưa, máy xẻ, máy vanh, máy nén khí phun sơn, các loại máy bào, khoan, đục đánh bóng gỗ,... vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực.
HTX tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. |
“Để đục một bức triện, một người thợ lành nghề phải làm tới 8 giờ. Thế nhưng chỉ mất 3 giờ, chiếc máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC ((Computer Numerical Control) cho ra không phải 1 mà là 6 sản phẩm. Các sản phẩm gỗ làm ra từ chiếc máy này chuẩn đến từng chi tiết và cũng khá tinh xảo, đẹp mắt. Nhờ có các loại máy móc mà người thợ không còn phải hì hục cưa, cắt, đục đẽo. Quan trọng nhất, máy móc đã góp phần bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế được rất nhiều tai nạn như ngày xưa ông cha làm theo kiểu truyền thống”, anh Học (56 tuổi) - nhân công HTX cho biết.
HTX xác định sự cần thiết đầu tư cơ sở nhà xưởng, máy móc để mở rộng lĩnh vực hoạt động và đã nhận được nhiều đơn hàng trong huyện và các địa phương lân cận.
Bên cạnh đó, HTX còn nhận điêu khắc gỗ theo yêu cầu khách hàng. Nguyên liệu chủ yếu được lấy tại địa phương (gỗ hương đá), bằng bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng sáng tạo, các nghệ nhân HTX đã cho ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được khách hàng trong, ngoài thành phố ưa chuộng. Có những sản phẩm trị giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng như: Sập gốc cây, tượng Phật Di Lặc… Nhiều mặt hàng đã được tiêu thụ tại các thị trường "khó tính" như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Hơn hết, HTX chú trọng bảo vệ môi trường. Từ khi thành lập, các thành viên của HTX luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, quây bạt kín, không xả thải ra kênh mương. Trong quá trình sản xuất, HTX tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các thành viên, người lao động không bào, chà, phun sơn ngoài vỉa hè, hạn chế sử dụng quạt thổi trực tiếp bụi gỗ, bụi sơn. Đến nay, 100% các thành viên ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã.
Hiện nay, HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh có 1 xưởng sản xuất (3.000m2) với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho mình, HTX còn giúp đỡ nhiều bạn trẻ học nghề và tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Nhiều lao động từng bước thoát khỏi phạm vi của chữ “thợ”, để đến với trình độ cao hơn như một nghệ nhân làng nghề.
Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường, nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng theo từng năm, từng giai đoạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng khởi sắc. Một trong những đột phá của HTX là đã mở rộng được mạng lưới, có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ từ khâu sản xuất đến quá trình bao tiêu sản phẩm.
Đáng nói ở đây là, các sản phẩm chủ yếu của HTX đổ buôn cho các thương lái và bán trên các sàn thương mại điện tử nên đầu ra khá ổn định, một số ít thì nhập cho các cơ sở truyền thống bán lẻ, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm.
Tiếp tục phát triển nghề truyền thống
Là một đơn vị mới thành lập, không ít những khó khăn cần tháo gỡ, chị Trần Thu Linh – Phó giám đốc HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh cho biết, HTX đang phải thuê trường cấp 1 cũ bỏ hoang để làm cơ sở sản xuất, vì ở đây xa khu dân cư nên hạn chế được phần nào ảnh hưởng tiếng ồn. Hơn nữa, gần như tại địa phương không còn đất rộng để cho thuê.
Kết hợp máy móc hiện đại và những đôi bàn tay khéo léo, HTX làm ra sản phẩm được khách hàng trong, ngoài thành phố ưa chuộng. |
"Ngoài ra, việc tìm kiếm nhân công cũng rất khó, hầu hết chỉ thuê được những người lớn tuổi làm việc (có tay nghề, có kinh nghiệm nhưng sức khỏe yếu, không bê vác nặng được). Người trẻ thì đi làm công ty với những công việc nhẹ nhàng hơn", chị Linh chia sẻ.
Đối mặt với không ít vấn đề, thế nhưng, các thành viên HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh vẫn cùng nhau “chèo lái con thuyền” này để giữ gìn và phát huy tốt hồn cốt nghề truyền thống, đem đến người tiêu dùng những sản phẩm độc đáo, ấn tượng và bền đẹp.
Mô hình HTX kiểu mới rất phù hợp với hiện trạng cơ sở gỗ làng nghề. Tới đây, HTX Mỹ nghệ Vịnh Linh dự định sẽ mở những buổi dạy nghề gỗ mỹ nghệ chuyên sâu cho thanh niên, góp phần ổn định đời sống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Với những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, đầu năm nay, HTX đã vinh dự được nhận thư khen từ chính quyền xã Sơn Hà trong sản xuất kinh doanh. Đây là động lực để HTX tiếp tục đổi mới, chủ động vươn lên, trở thành điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể của thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, vị trí và xu thế của kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn và hiệu quả, đồng thời tiếp tục thu hút các cơ sở sản xuất tham gia vào HTX; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; tích cực tham gia chương trình OCOP, tuyên truyền các thành viên thực hiện an toàn lao động...
Lê Hồng - Phạm Hòa