Năm 2019, HTX Thủy sản xã Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) đạt sản lượng thủy sản khoảng 2.500 tấn, tổng giá trị trên 70 tỷ đồng, mỗi ha thuỷ sản cho lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Các hộ chủ yếu nuôi cá rô phi, trắm cỏ, chép, trôi thương phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sản lượng cá của HTX chỉ đạt 800 tấn, giảm 200 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu và giá đều giảm
Theo Giám đốc Đặng Xuân Tuyệt, HTX Thủy sản xã Đoàn Kết có 87,7 ha với 240 hộ nuôi, tập trung ở thôn Tòng Hóa. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố hạn chế các phương tiện lưu thông để kiểm soát dịch bệnh khiến mặt hàng thuỷ sản khó tiêu thụ. Vào thời điểm này năm ngoái, thương lái đến thu mua cá rất đông thì năm nay lại vắng vẻ. Nhiều hộ có cá đến lúc phải thu hoạch nhưng vẫn phải nuôi cầm chừng khiến chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tiêu thụ cá giảm nên một số hộ không dám nuôi với số lượng lớn như trước.
Giá thủy sản khiến nhiều HTX khó khăn (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Nguyễn Văn Thượng, ở thôn Tòng Hóa chia sẻ: "Gia đình tôi có gần 1,5 mẫu ao chủ yếu nuôi cá rô, chép, trắm cỏ. Tháng 4 vừa qua, 2 ao cá của gia đình đã đến kỳ thu hoạch nhưng do thực hiện giãn cách xã hội nên chưa thể bán được, buộc phải nuôi cầm chừng. Trong khi đó, thời tiết thất thường cá dễ bị nhiễm bệnh, lượng oxy trong ao giảm phải phòng bệnh và sử dụng máy sủi liên tục dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao. Mặc dù giá cá rô phi hiện đã tăng chút ít nhưng trừ tất cả chi phí không còn lãi là bao".
Trong khi đó, ông Lê Văn Việt, Tổng giám đốc HTX Thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc), cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, bản thân HTX cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
HTX Xuyên Việt không chỉ sản xuất cá thương phẩm mà sản xuất theo chuỗi từ sản xuất kinh doanh con giống, nuôi cá thương phẩm, chế biến sản phẩm phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Về con giống, bà con dè dặt xuống giống, việc nhập khẩu giống và xuất khẩu gặp nhiều vấn đề. Cá thương phẩm bình thường xuất bán 10-15 tấn/ngày, nhưng giờ giảm 7-9 tấn cá/ngày. Không chỉ giảm về mặt số lượng mà còn giảm cả về giá bán.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, dịch Covid-19 tác động đến 60-70% HTX nông nghiệp hiện nay (bao gồm cả HTX thủy sản).
Cái khó ló cái khôn
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều HTX đã chủ động, sáng tạo vượt khó. Ông Việt chia sẻ trong "cái khó ló cái khôn". Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp, bản thân HTX Xuyên Việt cùng toàn bộ thành viên nhanh chóng đưa ra giải pháp cụ thể từng khó khăn, từng bước giải quyết khó khăn, sau khi hết dịch cung ứng giống tiếp tục tái đầu tư, củng cố hệ thống nuôi và sản xuất giống chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng tự động hóa hoàn toàn.
HTX Xuyên Việt đã đưa ra nhiều giải pháp vượt khó (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Việt cho biết, về đầu ra, HTX Xuyên Việt kết hợp với 11 HTX, công ty trong tỉnh Hải Dương liên quan đến thịt, trứng, củ quả tạo thành chuỗi phân phối, bán theo giá gốc. Thành viên là các HTX bán trực tiếp cho người dân với giá thấp nhất. Đồng thời, HTX đã xây dựng trang thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới bán hàng.
Đánh giá cao sự chủ động của nhiều HTX, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh khẳng định mô hình HTX rất ưu việt trong việc vượt qua khó khăn như thế này. "Vào HTX để có nhiều cái đầu cùng suy nghĩ, chia sẻ những lúc khó khăn, chia sẻ rủi ro, cùng suy nghĩ để tham gia thị trường hiệu quả", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khuyến nghị các HTX nên tìm cách thay đổi phương thức cung ứng sản phẩm, ngoài việc cung cấp hàng vào siêu thị, vào bếp ăn, cần đưa hàng đến tận đô thị, khu tập thể, phát triển mạng lưới bán hàng online; giảm sản lượng, giãn chu kỳ kinh doanh, đưa hàng vào chế biến, bảo quản...
Về trung hạn, các HTX cũng cần thực hiện các giải pháp để tái cơ cấu định hướng sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất; ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng ngay lúc này, khu vực HTX nông nghiệp cần phải được hỗ trợ duy trì sản xuất, hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ giảm lãi suất, khoanh nợ, tiền thuê đất... để giữ vững hoạt động và tăng trưởng trong thời gian tới.
Thy Lê