Hiện, nhiều HTX có định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn nhưng ngại đầu tư cơ sở vật chất hoặc hoạt động cầm chừng vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chỉ 25% HTX được cấp quyền sử dụng đất
Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (Quảng Trị) cho biết, đất hộ thành viên góp vào làm tài sản chung của HTX đã được thẩm định giá trị, chuyển đổi, thay đổi giá trị nhiều lần nhưng đến nay HTX vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất của HTX từ sau 1975 đã được thành viên khai hoang, sản xuất, cũng được đánh giá thành tài sản chung của HTX nhưng cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tương tự, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc (Thanh Hóa) đã được UBND xã cấp đất để xây nhà kho, nhưng đến nay vẫn chưa được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khó tiếp cận đất đai là tình cảnh chung của không ít HTX. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có khoảng 25% HTX được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tình trạng này phần lớn là do quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp. Hơn nữa, phần lớn diện tích đất các HTX đang sử dụng là do thành viên đóng góp, hoặc do UBND xã, phường, thị trấn giao, cấp, hoặc cho thuê nhưng lại thường không có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc sử dụng đất.
Những điều này gây khó khăn cho HTX trong việc kiểm tra, xác minh, nguồn gốc sử dụng đất và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm hạn chế sự phát triển của các HTX. |
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết theo quy định tại Luật Đất đai 2013, các HTX nông nghiệp được miễn phí thuê đất. Tuy nhiên, hiện nay để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, HTX cũng phải chuẩn bị rất nhiều thủ tục hồ sơ giấy tờ chứng minh. Quy trình xin cấp đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thực hiện từ cấp xã, phường lên cấp huyện rồi đến tỉnh/thành phố, chưa kể phải đóng các loại phí khác.
Bên cạnh đó, ở không ít địa phương hiện nay, các cơ quan quản lý chưa thật sự quan tâm, đánh giá đúng vai trò của kinh tế tập thể, HTX nên chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ sở vật chất cho các HTX.
Nhiều lãnh đạo địa phương chưa cân nhắc kỹ lưỡng ưu, nhược điểm khi giành lợi ích, quyền lợi chính đáng của HTX trong tiếp cận đất đai, hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số địa phương có tâm lý sợ mất quỹ đất còn gây khó khăn trong việc xác lập hồ sơ cấp “sổ đỏ” cho các HTX...
“Điều này xảy ra tình trạng, HTX tiếp cận được nguồn đất đã khó, HTX muốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ để phát triển sản xuất kinh doanh còn khó hơn”, bà Tâm chia sẻ.
Gỡ 'nút thắt' thế nào?
Phải khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai có ý nghĩa rất quan trọng đối với các HTX. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX mở rộng vốn mà còn là tiền đề để thu hút và tạo niềm tin cho thành viên.
Theo quy định tại khoản 27, Điều 3 Luật Đất đai thì HTX được xác định là tổ chức kinh tế sử dụng đất, nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho HTX thực hiện như việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức kinh tế.
Quy định của pháp luật hiện hành cho thấy việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Còn cấp huyện là cơ quan quản lý trực tiếp HTX (trừ Quỹ tín dụng nhân dân).
Đây cũng là điều mà nhiều HTX băn khoăn khi làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đi xa, vừa mất thời gian, vừa mất nhiều kinh phí, nhất là trong trường hợp phải sửa đổi, hoàn thiện thủ tục giấy tờ nhiều lần.
Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan này trong tiếp nhận, hỗ trợ HTX giải quyết, thẩm định hồ sơ, cung cấp thông tin về quá trình sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có vai trò quan trọng nhưng lại chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Điều này là do sự phối hợp giữa các cơ quan địa phương chưa tốt dẫn đến tình trạng sai sót, phải trả hồ sơ giữa các cấp khiến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX kéo dài. HTX cũng phải đi lại, sửa chữa nhiều lần.
“Công tác xử lý, giải quyết những trường hợp tồn tại về đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thiếu sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã đang làm khó các HTX”, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng cho biết.
Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu vực kinh tế tập thể, với nòng cốt là các HTX, các chuyên gia cho rằng ngay trong Dự thảo Luật đai (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể để miễn chi phí làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho riêng khu vực này. Tránh để các khoản chi phí trở thành gánh nặng đối với các thành viên và ban giám đốc HTX.
Còn ở cấp địa phương, cần nhanh chóng xem xét cụ thể từ đó phân cấp hoặc ủy quyền cho UBND các huyện hoặc các thành phố, thị xã thuộc tỉnh thực hiện. Bởi hiện nay, diện tích đất của các HTX không lớn, bộ máy tham mưu, quản lý của cấp huyện về quản lý đất đai cũng đảm đương được, đồng thời tạo thuận lợi cho HTX trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, đối với những HTX đang được UBND xã, phường cấp, giao thì lãnh đạo các cấp này cần phải có trách nhiệm hỗ trợ HTX giải quyết các vướng mắc liên quan đến kiểm tra, xác minh, đo đạc nguồn gốc sử dụng đất. Bộ phận một cửa Sở Tài nguyên Môi trường, UBND các quận, huyện cũng cần có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục xin cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các HTX.
Bởi lẽ, thành viên HTX chủ yếu là nông dân, dù có trực tiếp tìm hiểu các thủ tục pháp lý cũng không thể hiệu quả bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan quản lý tại địa phương. Trong khi các cơ quan quản lý này là nơi hiểu rõ về lịch sử, các vấn đề liên quan đến đất đai tại địa phương
Huyền Trang