Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết, có thời điểm HTX đã chốt đơn nhưng khi chưa kịp gửi hàng thì khách đã nhắn tin nhận được sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến như mận-đào sấy dẻo của HTX cũng đã bị làm giả nhãn mác với nguyên liệu chủ yếu là mận, đào nhập từ Trung Quốc và đăng bán tràn lan trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử.
Dễ dãi khi đăng ký bán hàng
“Những sản phẩm ‘ăn theo’ không chỉ gây nhầm lẫn, thiệt hại cho khách hàng mà còn ảnh hưởng tới thương hiệu của HTX”, ông Thịnh chia sẻ.
Việc các HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử bán là điều không thể bàn cãi trong thời đại 4.0. Muốn bán hàng trên một số sàn thương mại điện tử, có những HTX phải trải qua khâu kiểm soát, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc như thông qua báo cáo của người dùng, cung cấp giấy tờ cần thiết về thành lập HTX, các giấy chứng nhận sản phẩm…
Song, nhiều ý kiến cho rằng các thủ tục trên chỉ tập trung vào các doanh nghiệp, HTX với những sản phẩm có uy tín, chất lượng. Đối với một số mặt hàng bình dân, dường như các sàn thương mại điện tử đang có phần dễ dãi trong việc đăng ký, mở shop online cũng như khâu kiểm duyệt hàng hóa vì hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô, số lượng người bán nhằm cạnh tranh lẫn nhau trên không gian mạng.
Hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện nhan nhản trên các sàn thương mại điện tử làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các HTX và quyền lợi của người tiêu dùng. |
Theo thống kê, hiện trên thị trường có 4 sàn thương mại điện tử lớn là Tiki, Lazada, Shopee, Sendo thì 3 sàn là Sendo,Shopee, Lazada đang hoạt động theo hình thức C2C. Tức là các sàn này vẫn rộng cửa cho các cá nhân mở shop online mà không cần đăng ký kinh doanh, không cần các loại giấy tờ quan trọng như đăng ký thương hiệu, giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ...
Chỉ khi các cá nhân này đăng và bán sản phẩm rồi thì sàn mới sử dụng công cụ để kiểm tra. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan.
Hiện, chỉ có Tiki là sàn yêu cầu rất chặt chẽ về các giấy tờ đầu vào mới được mở gian hàng. Đi kèm với đó là thực hiện thu phí rất rõ ràng nên tình trạng hàng giả, hàng nhái khó xuất hiện.
Ngay trên các nền tảng xã hội, việc mở các gian hàng cũng rất dễ dàng. Ông Đào Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT HTX Cao Nguyên Coffee (Kon Tum) cho biết, việc các trang mạng xã hội không yêu cầu cao trước khi mở gian hàng tuy tạo thuận lợi cho người dân, HTX tiếp cận khách hàng qua internet nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến HTX khó cạnh tranh với hàng giả hàng nhái.
Minh bạch thông tin
Theo các chuyên gia, đặc điểm của sàn thương mại điện tử bán theo hình thức C2C là có phần mở hơn. Người nào muốn bán hàng chỉ cần yêu cầu duy nhất là chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân. Thế nhưng, tình trạng này vẫn có thể làm giả, đó là chưa tính đến việc các chủ gian hàng này cố tình đăng các hình ảnh không đúng sự thật về sản phẩm, ngay cả các sàn sử dụng công cụ lọc cũng chỉ đạt khoảng 80%.
Thực trạng trên cho thấy, buôn bán online dù đã hình thành và phát triển nhưng việc quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong khi các văn bản pháp luật về xử lý hàng giả, hàng nhái hoặc kinh doanh online vẫn còn khoảng trống, có lẽ để giữ gìn thương hiệu và bảo đảm lòng tin người tiêu dùng, các HTX cần “nhanh chân” hơn một bước.
Theo các chuyên gia, HTX cần chủ động cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất một cách rõ ràng, minh bạch đến khách hàng, khi đó hàng giả, hàng nhái không có cơ hội chen chân vào hàng hóa của HTX.
Ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Sinh (Tuyên Quang) cho biết, sản phẩm của HTX hiện có đầy đủ nhãn, tem truy xuất nguồn gốc của Bộ Công an. Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi ngoài các yếu tố trên, HTX còn có giải pháp bán hàng đến tận tay người tiêu dùng, hạn chế khâu trung gian và thực hiện chỉ báo mã seri tem ngay trước khi giao hàng cho khách.
“Nạn hàng giả khiến thực phẩm Việt giảm uy tín trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, người sản xuất, HTX làm ăn chân chính sẽ phải vất vả hơn, mất nhiều công sức hơn khi đưa hàng đến với người dùng”, ông Giang nói.
Rõ ràng, làm sao để những người tiêu dùng bình thường có thể mua và nhận biết đúng các mặt hàng tiêu dùng có xuất xứ, nguồn gốc là rất khó. Nếu các HTX sản xuất ra sản phẩm không có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin minh bạch cho khách hàng, đồng thời nhắc nhở người tiêu dùng các cách thức mua hàng bảo đảm chất lượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì đồng nghĩa với việc HTX chấp nhận cho các đơn vị khác làm giả, làm nhái sản phẩm của mình.
Đặc biệt những dịp như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu hay thời điểm giải cứu hàng hóa là cơ hội cho nhiều đối tượng lợi dụng để làm giả, nhái hàng hóa. Nếu tình trạng này không được xử lý, sẽ khiến chuỗi giá trị bị đứt gãy, không phát huy được hiệu quả.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc minh bạch quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm và liên kết để giảm các khâu trung gian khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là điều cần thiết để các HTX chống chọi với nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
"Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ hơn về buôn bán trên không gian mạng nhằm đảm bảo tính lành mạnh cho môi trường kinh doanh, tạo sự an tâm cả phía khách hàng lẫn đơn vị cung cấp hàng hóa", ông Phú kiến nghị.
Huyền Trang