Nhiều năm nay, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Ðức có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), thu hút và tạo việc làm thu nhập cao cho nhiều thành viên, người lao động.
Liên kết sản xuất lớn
Ðến nay, với gần 1.100 thành viên tham gia sản xuất, quỹ đất hơn 200ha sản xuất rau an toàn, mỗi ngày HTX Văn Đức cung cấp ra thị trường khoảng hai đến ba tấn rau các loại, trong đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị lớn, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc)…, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu rau an toàn Văn Ðức, từ đó gia tăng thu nhập, làm giàu cho thành viên HTX.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho hay, toàn huyện hiện có 22 chuỗi liên kết, gồm 12 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó có nhiều chuỗi được HTX dẫn dắt mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, nâng cao thu nhập cho hàng trăm nông dân.
Liên kết sản xuất quy mô lớn là "chìa khóa" để HTX nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu cho thành viên (Ảnh: TL). |
Tương tự, HTX Nông nghiệp Triệu Thuận cũng đang là điểm sáng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn trên địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. HTX có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp xấp xỉ 500 ha, trong đó trồng lúa hơn 300 ha, còn lại đất màu và đất ao hồ.
Ông Nguyễn Đình Thăng – đại diện HTX, cho hay để nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt là cây lúa chủ lực, HTX ứng dụng canh tác theo chuẩn hữu cơ, loại bỏ hóa chất độc hại, sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Ứng dụng sản xuất hữu cơ giúp thành viên HTX nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời mang lại những lợi ích tuyệt vời về bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe”, ông Thăng nhấn mạnh.
Nhờ sự chủ động trong đổi mới canh tác, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, đến nay toàn huyện Triệu Phong đã chuyển đổi và triển khai cánh đồng lớn tại 47 HTX với diện tích hơn 1.605 ha, trong đó mở rộng diện tích 120 ha lúa ở 4 HTX Thanh Lê, Trung An, Phương Sơn, Phước Lễ và duy trì 10 ha màu.
Thúc đẩy chuỗi liên kết
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, việc liên kết phát triển sản xuất lớn sẽ giúp nông dân đồng bộ cơ giới hóa, giảm thiểu chi phí đầu vào, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh hơn.
Việc tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác đang trở thành xu thế tất yếu đã góp phần thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, huy động nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác để sản xuất kinh doanh, cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Điển hình, tại Hà Nam, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, hướng tới nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho nông dân, năm 2021, HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn (huyện Bình Lục) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ.
Để nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cho thành viên, bên cạnh việc tích tụ ruộng đất, thời gian tới, HTX sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa hữu cơ, đưa sản phẩm vào các siêu thị và các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mô hình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở NN&PTNT Thành phố, toàn địa bàn hiện xây dựng và duy trì 145 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Giai đoạn 2021-2025, Thành phố phấn đấu hỗ trợ phát triển, xây dựng thêm 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Tuy nhiên, việc phát triển các chuỗi liên kết cũng gặp không ít khó khăn. Đại diện Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hà Nội đánh giá, một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức "thuận mua, vừa bán" cho nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Khi tham gia vào chuỗi liên kết, không ít HTX chưa có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng hoặc chưa đủ mạnh về nguồn nhân lực, nguồn vốn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại.
Ðể thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
Tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, HTX tập trung đầu tư, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định.
Lệ Chi