Mới đây, Tổ công tác 970 về tình hình sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã đề xuất Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi chi phí mua vật tư sản xuất chăn nuôi. Mức hỗ trợ: 20% chi phí đối với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; 30% chi phí đối với hộ nông dân. Thời gian hỗ trợ: từ 1/9 – 31/12/2021.
Đồng thời, Tổ công tác 970 cũng đề xuất về mức hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc áp dụng “3 tại chỗ”. Mức hỗ trợ: 50% chi phí. Thời gian hỗ trợ: trong thời gian tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, trang trại trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.
Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), về lâu dài ngành chăn nuôi cần tính đến thay đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Theo đó, Việt Nam có thể tăng tỷ trọng của đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ thay vì duy trì đàn lợn quá lớn. Việc này nhằm tạo nguồn thực phẩm cân đối để góp phần giảm áp lực nguồn ngũ cốc cho vật nuôi.
"Tóm lại, khi tăng cường sản xuất trong nước, giảm chi phí nhập khẩu, và sử dụng hiệu quả cả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì sẽ giải quyết bài toán tổng thể về thức ăn chăn nuôi", ông Dương nói.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi lợn trong nước đối mặt thực tế là giá lợn đang ở mức rất thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có. Điều này khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ.
Ngay trong ngày 19/8, giá lợn hơi biến động tăng - giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương. Trong đó, giá lợn hơi tại miền Bắc điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 53.000 - 57.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại TP. Hà Nội và Nam Định cùng giảm 1.000 đồng/kg xuống còn khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ngày 19/8 tiếp tục duy trì ở mức thấp từ 52.000 - 57.000 đồng/kg. |
Một số tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Hà Nam tiếp tục thu mua lợn hơi với giá không đổi là 54.000 đồng/kg. Tỉnh Hưng Yên hiện đang giao dịch tại mốc 57.000 đồng/kg - là mức cao nhất tính tới thời điểm hiện tại.
Tương tự, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg hôm nay, Khánh Hòa đang là tỉnh có giá lợn thấp nhất trong khu vực khi thu mua ở mức 52.000 đồng/kg. Nhiều nơi tiếp tục giao dịch với giá 53.000 đồng/kg, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Thuận .
Trái ngược xu hướng giảm giá ở miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Theo đó, giá lợn hơi tại Trà Vinh tăng 2.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg, ngang bằng với An Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Hai tỉnh Đồng Nai và Sóc Trăng hiện thu mua lợn hơi với giá 53.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Các tỉnh còn lại đang duy trì giá giao dịch trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Thy Lê